← Trước Sau →

Chương 80

Ông chủ nhà trọ rất dễ tính, đã chốt tiền phòng theo giá phòng theo giờ bốn tiếng là 60 tệ, và trả lại số tiền thừa cho Chúc Phồn Tinh.

Chúc Phồn Tinh kéo vali, dẫn hai em trai ra khỏi nhà trọ, xe của ông ngoại đã đợi sẵn bên đường. Ông cụ cao lớn bước xuống xe, đang cầm khăn lau cửa kính, nghe thấy tiếng động thì quay đầu lại.

Tóc ông bạc trắng, vẻ mặt có phần nghiêm nghị. Chúc Phồn Tinh không đoán được tuổi của ông, ước chừng khoảng 70, trông còn khỏe mạnh.

Ba năm không gặp, rõ ràng là cháu ruột nhưng giữa họ vẫn có một sự xa lạ tế nhị. Trong lòng Chúc Phồn Tinh có chút căng thẳng, gọi ông: “Ông ngoại.”

“Ôi, Tinh Tinh, lớn tướng rồi nhỉ.” Ông ngoại bước tới gần cô, nhìn cô từ trên xuống dưới, “Có phải cháu lại cao lên rồi không?”

“Dạ vâng ạ.” Chúc Phồn Tinh cười ngại ngùng, “Lên cấp ba cháu cao thêm được vài phân.”

“Thôi đủ rồi, cháu cao hơn mẹ cháu nhiều lắm rồi. Con gái mà cao quá, khó kiếm người yêu đấy.” Ông ngoại lại nhìn về phía hai cậu bé không xa, nhỏ giọng hỏi, “Thằng bé lớn hơn kia, là con riêng của mẹ kế cháu hả?”

“Dạ vâng.” Chúc Phồn Tinh quay đầu vẫy tay với Trần Niệm An, “Hổ con, Mãn Bảo, lại đây chào ông đi.”

Trần Niệm An vội dắt tay Chúc Mãn Thương tiến lên, lễ phép chào: “Cháu chào ông ngoại ạ.”

Chúc Mãn Thương: “Cháu chào ông ngoại ạ!”

“Ừ, chào các cháu.” Ông ngoại cũng có chút gượng gạo, hai tay xoắn xoắn chiếc khăn lau, nói: “Lên xe trước đi, trên đường nói chuyện sau. Ông già rồi, lâu không lái xe, xe này bám đầy bụi, vừa lau qua một chút.”

Ông ngoại định xách vali, Trần Niệm An nhanh tay nhanh mắt giành lấy, xách vali lên: “Ông ngoại, để cháu xách cho, cháu khỏe lắm.”

Cậu cũng rất hồi hộp, biết người này là ông ngoại ruột của chị gái, mà thân phận của mình thì khó nói, theo lý thường, người nhà họ Tào sẽ không chào đón cậu.

Ông ngoại không nói gì, mở cốp xe sau. Trần Niệm An đặt vali vào, dắt Mãn Bảo ngồi vào hàng ghế sau, Chúc Phồn Tinh ngồi ghế phụ.

Xe chạy trên đường, ông ngoại lái xe, kể cho Chúc Phồn Tinh nghe. Hai năm trước, họ đã bán căn nhà cũ không có thang máy, mua một căn hộ có thang máy ở khu chung cư mới và chuyển đến ở vào mùa xuân năm ngoái, đã ở được hơn một năm rồi.

“Dùng danh nghĩa dì út và dượng cháu để mua, sổ đỏ cũng đứng tên hai đứa nó, còn vay trả góp 300 nghìn tệ, mỗi tháng đều do hai đứa nó trả.”

Ông ngoại không nói quá chi tiết nhưng Chúc Phồn Tinh hiểu, ông ngoại muốn nói với cô rằng, ông và bà ngoại không còn đứng tên tài sản gì nữa rồi, một vài năm sau, đợi đến khi họ qua đời, căn nhà hiện tại sẽ để lại cho dì út.

Chúc Phồn Tinh rất hiểu và chấp nhận. Trên thực tế, cô chưa từng nghĩ đến tài sản của ông bà ngoại. Mẹ đã mất 16 năm rồi, dù là trước hay sau khi mất thì cũng đều là dì út ở lại quê nhà chăm sóc, bầu bạn với hai ông bà, không nhờ vả đến Chúc Hoài Khang. Tương tự, Chúc Hoài Khang chăm sóc Chúc Phồn Tinh cũng không để người nhà họ Tào phải lo lắng.

Từ lâu mọi người đã ngầm hiểu, tài sản của ông bà ngoại sẽ chỉ để lại cho dì út.

Căn hộ mới nằm trong một khu chung cư mới toanh, mấy tòa cao ốc được sắp xếp chỉnh tề, đẹp đẽ, sang trọng, rực rỡ ánh đèn, cây xanh tươi tốt. Ông ngoại dẫn ba đứa trẻ đi thang máy lên tầng bảy, bà ngoại đã đợi sẵn ở cửa: “Tinh Tinh đến rồi à?”

Bà là một giáo viên tiểu học đã về hưu, cũng đã ở tuổi xưa nay hiếm, dáng người cao ráo, gương mặt hiền hậu, so với ba năm trước gặp ở đám tang, bà ngoại bây giờ trông hiền từ hơn nhiều.

“Bà ngoại.” Chúc Phồn Tinh đưa hộp quà cho bà, “Cháu đến làm phiền bà rồi ạ.”

“Làm phiền gì chứ? Đừng nói bậy, vào nhà mau, ngoài này nóng lắm.”

Bà ngoại mời mọi người vào nhà, Trần Niệm An đi ngang qua bà, hai người nhìn nhau, ánh mắt bà ngoại rất phức tạp, có chút đề phòng, có chút tò mò. Trần Niệm An chỉ thấy căng thẳng bất an, cứng người gọi: “Cháu chào bà ngoại ạ.”

“Chào cháu.” Bà ngoại nói, “Thằng bé này cao lớn thật đấy, mấy tuổi rồi? Học cấp ba chưa?”

Trần Niệm An đáp: “Hết hè này cháu lên lớp 9 ạ.”

Bà ngoại tặc lưỡi: “Ôi chao, vẫn học cấp hai à? Dáng người cao ráo đấy, tướng mạo cũng sáng sủa, chỉ là hơi gầy.”

Chúc Phồn Tinh nghe thấy, thấy Trần Niệm An không phản ứng thì khều cậu một cái: “Bà ngoại khen em đấy, mau cảm ơn đi.”

“Cháu cảm ơn bà ngoại ạ.” Trần Niệm An nói, “Bà ngoại, học lực của cháu cũng tạm được, không bao giờ gây sự, không nghịch ngợm. Cháu thích viết văn, còn được giải trong cuộc thi viết nữa. Cháu biết nấu ăn, cuối tuần chị cháu về nhà, toàn là cháu nấu cơm đấy ạ.”

Bà ngoại: “…”

“Ai hỏi em cái này?” Chúc Phồn Tinh xấu hổ muốn chết, lấy đôi dép lê đưa cho cậu, “Mau thay dép vào, lúc nãy không phải em bảo buồn đi vệ sinh à? Đi trước đi.”

Mặt Trần Niệm An đỏ bừng: “Em nhịn được mà…”

“Buồn đi vệ sinh thì cứ đi, nhịn làm gì?” Bà ngoại cười, chỉ vào một cánh cửa nói: “Nhà vệ sinh ở đằng kia, đi nhanh đi.”

Trần Niệm An cúi gằm mặt chạy vào nhà vệ sinh.

“Thằng bé này, khờ quá đi.” Bà ngoại lại lấy dép lê cho Chúc Mãn Thương, “Tiểu Mãn Bảo, lớn thế này rồi, học lớp mấy rồi nhỉ? Cháu còn nhớ bà không?”

Chúc Mãn Thương ngượng ngùng nhìn bà, lại nhìn sang chị gái với ánh mắt cầu cứu.

Đám tang ba năm trước, Chúc Mãn Thương không tham gia, đương nhiên không gặp hai ông bà họ Tào. Xa hơn nữa phải kể đến kỳ nghỉ đông năm 2007, Chúc Hoài Khang dẫn hai con đến Bảo Định tảo mộ cho Tào Văn Nguyệt. Lúc đó, Chúc Mãn Thương còn chưa đầy ba tuổi, mọi người chỉ ăn một bữa cơm, làm sao thằng bé nhớ được?

“Bà ngoại, chắc nó không nhớ đâu ạ.” Chúc Phồn Tinh kéo Chúc Mãn Thương lại: “Mãn Bảo năm nay tám tuổi, hết hè lên lớp ba, bình thường rất nghe lời và hiểu chuyện, là một đứa trẻ ngoan.”

“Thế còn thằng kia?” Bà ngoại hất cằm về phía nhà vệ sinh, “Có dễ hòa thuận không?”

“Trần Niệm An ạ?” Chúc Phồn Tinh nói: “Dễ lắm ạ, bây giờ mọi việc trong nhà đều do em ấy quán xuyến, cái gì em ấy cũng biết làm.” 

Bà ngoại hỏi: “Trần gì nhỉ? Bà phải gọi nó là gì?”

Chúc Phồn Tinh nói: “Trần Niệm An. Bà cứ gọi em ấy là ‘Niệm An’ đi, niệm trong nghĩa nhớ nhung, an trong nghĩa bình an. Ông bà trên tầng nhà cháu vẫn luôn gọi em ấy như vậy. Em ấy tuổi Dần, trước kia có tên ở nhà là ‘Hổ Tử’, bây giờ lớn rồi, cái tên đó trẻ con quá nên không ai gọi nữa.”

Bà ngoại gật gù: “Ồ, Niệm An.”

Bà ngoại từng oán giận đối với chuyện tình cảm mới của Chúc Hoài Khang, lại cảm thấy chuyện này không thể ngăn cản, nên đành nghĩ thoáng ra. Khi đó, bà và ông đã nói rất rõ với Chúc Hoài Khang rằng Tinh Tinh có thể đến Bảo Định, Mãn Bảo cũng có thể đến, nhưng Phùng Thái Lam thì không, càng không được để cô đi tảo mộ Tào Văn Nguyệt.

Vậy nên, để không gây khó chịu cho hai ông bà họ Tào, Phùng Thái Lam chưa từng đến Hà Bắc, hai ông bà cũng chưa từng gặp cô.

Bà ngoại nhìn Trần Niệm An từ nhà vệ sinh đi ra, lòng bỗng thấy bâng khuâng. Cậu bé cao gầy kia, là con trai của người tình mới của chồng của đứa con gái đã mất của mình.

Họ vốn dĩ chẳng có mối liên hệ nào, xét trên một góc độ nào đó, còn có thể coi là “kẻ thù”, mà giờ thằng bé lại đến nhà họ ở nhờ, còn đường hoàng đi vệ sinh nữa!

Bà ngoại bỗng thấy buồn cười, cảm thấy thế sự thật khó nói.

“Tinh Tinh, các cháu đến đây bằng gì?” Bà ngoại kéo Chúc Phồn Tinh ngồi xuống ghế sofa, hỏi, “Đi tàu à?”

Chúc Phồn Tinh đáp: “Chúng cháu đi xe buýt ạ…”

Cô kể hành trình mấy ngày qua cho bà ngoại nghe, bà giật mình: “Trời ạ! Đi lại vất vả mấy ngày liền á? Các cháu còn định đi Bắc Kinh nữa hả?”

“Dạ vâng ạ.” Chúc Phồn Tinh đáp, “Nghỉ hè mà bà, cháu muốn dẫn hai đứa nó đi chơi Bắc Kinh một chuyến.”

Bà ngoại định nói gì đó thì ông ngoại lên tiếng: “Bà nó, đừng hỏi nữa, mau làm gì cho mấy đứa ăn đi, chúng nó còn chưa ăn tối.”

“Ừ ừ, suýt nữa thì quên mất.” Bà ngoại đứng lên, nói: “Các cháu xem TV trước đi, ăn chút hoa quả, bà đi nấu mì cho các cháu. Nhà có thịt bò, các cháu có thích ăn mì thịt bò không?”

“Thích ạ!” Chúc Phồn Tinh đáp, “Cháu cảm ơn bà ngoại ạ.”

Bà ngoại đi vào bếp, Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương rụt rè ngồi trên sofa. Trên bàn trà bày một đĩa hoa quả, có đào, nho và chuối. Ông ngoại lấy ba quả đào, nói: “Ông đi rửa đào cho các cháu, đào này tươi ngọt lắm đấy.”

Chúc Phồn Tinh hé miệng, định nói gì đó lại thôi. Trần Niệm An liếc nhìn cô một cái, đứng lên đi theo ông ngoại, nói: “Ông ngoại ơi, chị cháu không ăn được đào, chị ấy bị dị ứng đào ạ.”

Ông ngoại im lặng nhìn cậu, Trần Niệm An nói: “Thật đấy ạ. Chị ấy ăn đào vào, ruột sẽ khó chịu, có khi còn nổi mẩn, đã mấy năm không ăn đào rồi ạ.”

Ông ngoại gật gù: “Ờ, thế à. Vậy cháu bảo chị cháu ăn nho với chuối đi, ông rửa đào cho hai đứa cháu.”

“Dạ vâng, cháu cảm ơn ông ngoại ạ.”

Trần Niệm An quay lại sofa ngồi, lấy một quả chuối đưa cho Chúc Phồn Tinh: “Em nói với ông ngoại rồi, chị không ăn được đào, ông bảo chị ăn chuối.”

Chúc Phồn Tinh nhận lấy chuối, trong lòng xúc động: “Cảm ơn em, Hổ con.”

“Có gì đâu mà cảm ơn.” Trần Niệm An nhìn cô, “Chị đi học đại học cũng phải chú ý chút, cố gắng đừng ăn đồ ngọt, đồ uống vị đào, chị phải học cách từ chối.”

“Ôi dào, chú em lên lớp dạy đời chị rồi cơ đấy.” Chúc Phồn Tinh bật cười, nhỏ giọng nói: “Chị vốn định lén nhét cho em đấy.”

Trần Niệm An trừng mắt nhìn cô.

Vài phút sau, bát mì thịt bò bà ngoại nấu đã xong, thơm nức mũi. Ba đứa vốn đã đói meo, nhìn ba bát mì đầy những miếng thịt bò to đùng, không giữ kẽ nữa, ai nấy đều ăn ngấu nghiến, khiến ông ngoại liên tục nói: “Ăn chậm thôi, ăn chậm thôi. Không đủ thì vẫn còn mà, có ai tranh với các cháu đâu.”

Trần Niệm An ăn xong đầu tiên, đợi chị và em trai ăn xong, cậu nhanh tay dọn dẹp bát đũa, nói muốn rửa, ông ngoại ngăn lại: “Không cần cháu rửa, để đó, ông bà rửa cho.”

“Cháu rửa cho ạ.” Trần Niệm An cố chấp nhìn ông, “Ông ngoại, cháu rửa bát sạch lắm.”

Chúc Phồn Tinh nói: “Ông ngoại ơi, cứ để em ấy rửa đi, không thì trong lòng em ấy không thoải mái, sáng mai có khi còn dậy lau nhà cho ông bà đấy ạ.”

Ông ngoại: “…”

Trần Niệm An thành công giành được bát đũa, đi vào bếp.

Bà ngoại đứng bên nhìn cười: “Nó siêng vậy cơ à?”

Chúc Mãn Thương nói: “Anh thích làm việc nhà nhất.”

“Ai mà thích làm việc nhà?” Ông ngoại nói, “Tại hai đứa lười chúng bay không thích làm đấy chứ? Nó lo toan nhất, nên cũng vất vả nhất, hai đứa hãy nhớ lấy cái tốt của nó.”

“Nhớ rồi ạ.” Chúc Phồn Tinh nói, “Đều nhờ có em ấy nên cháu với Mãn Bảo mới có cơm nóng để ăn. Haizz, Mãn Bảo, khi nào thì em mới học nấu cơm hả?”

Chúc Mãn Thương giả vờ không nghe thấy, lảng sang chuyện khác: “Chị ơi, em hơi mệt rồi, tắm được không ạ? Tắm xong em muốn đi ngủ.”

Chúc Phồn Tinh: “…”

Bà ngoại vẫy tay với thằng bé: “Lấy quần áo đi, bà ngoại dẫn cháu vào phòng tắm.”

Nhà mới có ba phòng ngủ hai phòng khách, rộng hơn 100 mét vuông, trang trí ấm cúng và thoải mái.

Vì ông ngoại ngáy to nên bà ngoại và ông ngủ riêng, mỗi người một phòng, phòng khách còn lại kê một giường đôi, khi nào nhà dì út hoặc người thân khác đến thì có thể ngủ ở đó. Để đón Chúc Phồn Tinh, bà ngoại đã trải sẵn bộ ga gối sạch sẽ lên chiếc giường lớn trong phòng khách. Giờ có thêm hai cậu bé, phòng này sẽ cho Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương ngủ, bà ngoại bảo Chúc Phồn Tinh ngủ với mình.

Đêm khuya, mọi người tắm rửa xong, ai về phòng nấy. Chúc Phồn Tinh và bà ngoại tựa lưng vào nhau nằm trên giường. Vì lâu ngày không gặp nên bà ngoại có nhiều chuyện muốn hỏi cô, đầu tiên phải kể đến – tại sao Chúc Phồn Tinh lại sống cùng hai em trai.

Chúc Phồn Tinh không giấu diếm, kể lại mọi chuyện từ đầu đến cuối. Bà ngoại nghe xong, vừa kinh ngạc vừa xót xa, hồi lâu không lên tiếng.

“Bà ngoại, cháu xin lỗi, cháu vẫn luôn giấu bà…”

Chúc Phồn Tinh còn chưa nói xong, bà ngoại đã ngắt lời: “Thôi đi, lúc đầu bà nói vậy cũng là muốn nhắc cháu thôi. Cháu với… Niệm An, hai đứa dù sao cũng không có quan hệ huyết thống, bà chỉ sợ nó và người nhà nó đến lừa tiền cháu. Giờ đã thế này rồi, còn gì để nói nữa? Bố cháu mất rồi, mẹ nó cũng mất rồi. Haizz… hai đứa bay có thể ở chung với nhau cũng là số cả rồi.”

Chúc Phồn Tinh ngập ngừng mở miệng: “Năm trăm tệ đó… bà ngoại, bà không cần cho cháu nữa đâu ạ.”

Bà ngoại lắc đầu: “Vẫn phải cho chứ. Đã nói thế rồi mà, cho đến khi cháu tốt nghiệp đại học. Mấy năm nay, lương hưu của ông bà tăng lên một chút, sau này, mỗi tháng bà sẽ cho cháu tám trăm, để ba đứa cháu sống thoải mái hơn chút.”

“Không cần, không cần đâu ạ! Bà ngoại, năm trăm tệ đã nhiều lắm rồi ạ.” Chúc Phồn Tinh nói, “Cháu còn tiền cho thuê nhà nữa, còn đi dạy kèm nữa. Thật đấy ạ, bà không cần cho cháu tám trăm đâu, bà với ông ngoại giữ lại tiền, tiêu thoải mái vào ạ.”

Bà ngoại nhìn cô một lúc, đột nhiên đưa tay lên sờ lên mặt cô, hốc mắtrưng rưng: “Tinh Tinh, cháu giống bố cháu, nhưng nhìn kỹ, mũi và miệng của cháu thực ra giống hệt mẹ cháu.”

Sống mũi Chúc Phồn Tinh cay cay: “Cháu biết mà bà ngoại. Cháu xem ảnh mẹ cháu rồi, cháu càng ngày càng giống mẹ.”

Bà ngoại cười, chậm rãi xuống giường, lấy ra một chiếc hộp nhỏ từ trong tủ quần áo: “Cuối cùng cũng đợi được đến khi cháu trưởng thành. Bà đã giúp cháu giữ gìn những thứ này mấy chục năm nay, giờ thì có thể giao lại cho cháu rồi.”

Chúc Phồn Tinh tò mò nhìn chiếc hộp: “Là cái gì vậy ạ?”

“Trang sức của mẹ cháu.” Bà ngoại mở hộp cho cô xem, lục lọi đồ bên trong, “Hồi đó, sau khi mẹ cháu mất, bà đã lấy lại hết trang sức của mẹ cháu từ chỗ bố cháu, dây chuyền vàng, vòng tay vàng, nhẫn vàng, vòng ngọc… có thứ đáng giá, có thứ không. Bà không dám để lại cho bố cháu, bà sợ nó cho người khác. Những thứ này đều là của cháu, ngay cả dì út cháu cũng chưa từng chạm vào. Tinh Tinh, cháu cầm lấy đi.”

Chúc Phồn Tinh nhìn chiếc hộp đựng đầy trang sức kia, nước mắt tuôn rơi. Bà ngoại sờ lên mặt cô, thở dài một hơi: “Ông bà cũng không có gì khác để lại cho cháu, cháu đừng trách ông bà.”

Chúc Phồn Tinh vừa khóc vừa lắc đầu: “Bà ngoại đừng nói vậy, làm sao cháu trách bà được ạ?”

Bà ngoại ôm lấy cô, giọng nghiêm túc hơn: “Bà hỏi cháu, năm nay thi đại học, cháu đăng ký đại học A là vì hai đứa nhóc đó à?”

Chúc Phồn Tinh thừa nhận: “Dạ vâng.”

Bà ngoại biết điểm của cô, cũng biết cô có thể đăng ký những trường tốt hơn: “Cháu hãy hứa với bà, đây là lần cuối cùng cháu hy sinh vì chúng nó.”

Chúc Phồn Tinh ngẩng đầu, khó hiểu nhìn bà.

Bà ngoại nói: “Tinh Tinh, bà biết cháu là đứa trẻ thiện lương, nhưng xã hội bây giờ phát triển quá nhanh, cạnh tranh quá khốc liệt, ai nấy đều  phấn đấu vươn lên, người quá hiền lành rất dễ thiệt thòi. Cháu đã không còn bố mẹ, bà và ông ngoại cũng chẳng giúp được gì cho cháu. Sau này bước vào xã hội, cháu chỉ có thể dựa vào bản thân, nhất định phải học cách đấu tranh cho bản thân. Lần này cháu đăng ký đại học A, bà ngoại có thể thông cảm, nhưng lần sau, nếu cháu lại gặp phải chuyện tương tự, có cơ hội tốt hơn ngay trước mắt thì cháu không được từ bỏ nữa.”

Chúc Phồn Tinh hiểu ý của bà ngoại, dù trong lòng vẫn còn nghi ngại nhưng cô vẫn gật đầu: “Cháu biết rồi ạ, bà ngoại.”

“Còn nữa, thằng bé kia, Niệm An.” Bà ngoại hỏi, “Cháu với nó bình thường ở cùng nhau có gì bất tiện không?”

Chúc Phồn Tinh đáp: “Không ạ, sao vậy bà?”

Bà ngoại nói: “Nó là chàng trai lớn tướng rồi, cháu lại là một cô gái xinh đẹp, hai đứa không có quan hệ huyết thống, cứ cứ ở chung như vậy, cháu nhất định phải tự bảo vệ mình đấy.

Chúc Phồn Tinh ngây người: “Bà ngoại ơi, em ấy mới 14 tuổi thôi ạ.”

Bà ngoại nói: “Râu ria mọc hết rồi, tướng tá thì cao lớn, chứng tỏ chỗ nào cần mọc là mọc hết rồi, đàn ông làm được cái gì thì nó làm được hết rồi. Cháu không được lơ là đâu.”

Chúc Phồn Tinh: “…”

Trong đầu bỗng hiện lên một câu: Chim chim của anh mọc lông rồi.

Chúc Phồn Tinh lắc lắc đầu, cố xua đi hình ảnh kỳ lạ đó: “Bà ơi, Trần Niệm An là một cậu bé rất ngay thẳng, em ấy sẽ không làm chuyện quá đáng đâu. Cháu luôn coi em ấy là em trai, em ấy cũng coi cháu là chị ruột, bà cứ yên tâm đi ạ.”

“Chị em ruột gì chứ?, Hai đứa bay quen nhau có được mấy năm đâu.” Bà ngoại dừng một lát, lại hỏi: “Đúng rồi, các cháu có vội đi Bắc Kinh không?”

Chúc Phồn Tinh lắc đầu: “Không vội ạ, cháu còn chưa mua vé.”

“Chưa mua thì tốt.” Bà ngoại nói: “Lúc nãy bà đang nghĩ, các cháu đi xe khách nhiều ngày như vậy rồi, hẳn đã mệt mỏi, nếu không vội thì ở nhà bà chơi mấy hôm đi. Mai chúng ta đi tảo mộ, ngày kia, hoặc ngày kia nữa, vừa khéo là cuối tuần, bà bảo dì út cháu lái xe đưa các cháu lên Bắc Kinh, hai tiếng là tới rồi. Cháu định chơi ở Bắc Kinh mấy ngày?”

Chúc Phồn Tinh nghe mà ngơ ngác cả người: “Bốn năm ngày ạ, có phiền dì út quá không?”

“Không phiền đâu, đó là dì ruột của cháu mà.” Bà ngoại lại hỏi: “Chơi đã rồi, các cháu về Tiền Đường bằng cách nào? Mua vé tàu chưa?”

“Cháu còn chưa mua, chắc là không mua được rồi.” Chúc Phồn Tinh nói: “Chắc chúng cháu vẫn phải đi xe khách về thôi. Cháu tra rồi, có loại xe giường nằm, đi thẳng đến Tiền Đường, chỉ là hơi lâu.”

“Đừng đi xe đó!” Bà ngoại khoát tay: “Nghe bà ngoại, đi máy bay về!”

Chúc Phồn Tinh tỏ vẻ khó xử: “Vé máy bay đắt lắm ạ, mùa hè toàn vé full giá.”

Bà ngoại nói: “Hai đứa nó được nửa giá mà, cháu không biết à?”

Chúc Phồn Tinh ngớ người: “Nửa giá?”

“Đúng rồi, hai đứa nó là trẻ con, vé máy bay nửa giá, dù cháu mua giá đầy đủ thì cũng đáng mà.” Bà ngoại vỗ đùi: “Thế quyết định vậy đi. Bà ngoại mua vé máy bay cho cháu, các cháu lên Bắc Kinh chơi cho đã, chơi xong rồi đi thẳng máy bay về Tiền Đường, vừa nhanh vừa an toàn, vèo một cái là về đến nhà rồi.”

Mắt Chúc Phồn Tinh sáng lên, đi máy bay về nhà? Thật sự được sao?

Hổ con còn chưa đi máy bay bao giờ! Nếu nó biết thì chắc vui điên lên mất!

← Trước Sau →

BÌNH LUẬN

  1. Chia sẻ cảm nghĩ của bạn nhé!

    Vui lòng đăng nhập để tham gia bình luận cùng chúng mình 💗

TRUYỆN CÙNG THỂ LOẠI

Hồng Anh
26
Minh Loan
1232
Giá Oản Chúc
1271
Mộ Chi
3864
Bắc Phong Vị Miên
33041