← Trước Sau →

Chương 54

Ngày mùng 3 Tết, Trần Niệm An được phép xuất viện, y tá thay thuốc cho cậu lần cuối.

Băng gạc được gỡ ra, Chúc Phồn Tinh có thể nhìn thấy vết sẹo phẫu thuật mới trên đùi trái của Trần Niệm An, dài hơn chục phân. Cô không đành lòng nhìn, da gà nổi khắp người, tưởng tượng xem nó phải đau đến mức nào.

Trần Niệm An ngược lại rất dũng cảm, ngoại trừ ngày thứ hai sau phẫu thuật khóc một trận, sau đó không khóc nữa, nhưng khi thay thuốc, cậu phải nắm chặt tay chị gái, nhíu mày nghiến răng, như một chiến sĩ bất khuất.

Bác sĩ nói với Chúc Phồn Tinh rằng Trần Niệm An sau này có thể đến bệnh viện khu gần nhà thay thuốc, ba ngày thay một lần, một tháng sau thử bỏ nạng, tiếp theo đó là từ từ đi lại, dần dần hồi phục sức khỏe.

Hai chị em đều có cảm giác sau cơn mưa trời lại sáng. Vụ tai nạn xe cộ kia đã khiến cuộc sống của họ thay đổi long trời lở đất. Trần Niệm An chịu khổ sở vô cùng, đã bị bệnh tật ở chân hành hạ nửa năm, bây giờ, cuối cùng cũng nhìn thấy ánh bình minh của sự khỏi bệnh.

Nhậm Tuấn lái xe đến đón họ về nhà, sau một đêm thích nghi ở nhà, Chúc Phồn Tinh đến nhà cô, đón Chúc Mãn Thương đang nhớ nhà da diết về.

Thế là, ba chị em cứ ở nhà cùng nhau trong những ngày nghỉ còn lại. Chúc Phồn Tinh chịu trách nhiệm đi chợ, giặt đồ, làm việc nhà. Chúc Mãn Thương chịu trách nhiệm quậy phá làm trò, còn Trần Niệm An… Cậu nhóc què vẫn đảm nhận việc nấu cơm, kỹ năng chống nạng xào rau tái xuất giang hồ.

Ngày tháng trở nên bận rộn, Chúc Phồn Tinh tập trung vào từng việc nhỏ trước mắt, hầu như không có thời gian rảnh rỗi.

Cô cảm thấy như vậy rất tốt. Con người khi quá rảnh rỗi sẽ rất dễ suy nghĩ lung tung, mà nếu cô suy nghĩ lung tung thì những gì có thể nghĩ đến đều là những chuyện tiêu cực, bi quan, chi bằng vận động, đưa cảm xúc theo hướng tích cực.

Qua một học kỳ nữa, Chúc Mãn Thương sẽ tốt nghiệp mẫu giáo. Chúc Phồn Tinh giao cho cu cậu bài tập về nhà trong kỳ nghỉ đông, bắt cu cậu phải học được cách tự lau mông, tự mặc quần áo, tự rửa mặt đánh răng bôi kem dưỡng da trong kỳ nghỉ này, cũng có ý thức để cậu rèn luyện những việc tương đối khó khăn như tắm gội.

Chúc Mãn Thương không phản kháng mà ngoan ngoãn làm theo. Cậu bé còn nhỏ đã hiểu rất rõ hoàn cảnh của mình, nếu không học được những việc này, thì sau này, có lẽ anh chị sẽ lại đưa cậu đến nhà cô, hoặc những nơi khác. Nếu cậu không muốn đi thì phải học được tự chăm sóc bản thân, giống như anh trai, một mình ở nhà cũng sẽ không khiến chị lo lắng. 

Đầu tháng Ba, kỳ nghỉ đông kết thúc, trường trung học số 2 Tiền Đường, trường tiểu học số 2 Diệu Đông và trường mẫu giáo của Chúc Mãn Thương lần lượt khai giảng, bà Du và ông Lưu cũng từ Đức trở về.

Hai ông bà mang về cho bọn trẻ mấy hộp sô cô la. Bà Du luôn nhớ đến cái chân của Trần Niệm An, sau khi gặp mặt, bà ôm Trần Niệm An, xót xa rơi nước mắt.

Trần Niệm An cũng rất nhớ họ. Khi chị gái không có nhà, sự tự tin của cậu phần lớn đến từ ông Lưu và bà Du. Nghĩ đến việc họ đang sống ở trên tầng, chỉ cần hét một tiếng là họ có thể nghe thấy, cậu làm gì cũng không cảm thấy sợ hãi.

Ông Lưu lại một lần nữa đảm nhận công việc đưa đón Trần Niệm An đi học. Mỗi ngày đều đạp xe điện, ngân nga hát, chở Trần Niệm An đến trường.

Sau khi chống nạng đi học hai tuần, Trần Niệm An bỏ nạng, Chúc Phồn Tinh đỡ cậu luyện tập đi bộ trong sân. Vượt qua bức tường, họ có thể nhìn thấy ngọn cây ngoài trời, những cành cây trơ trụi vào mùa đông bây giờ đã mọc lá mới, nhẹ nhàng lay động trong làn gió nhẹ.

Trần Niệm An nói: “Chị ơi, mùa xuân đến rồi.”

“Đúng vậy, mùa xuân đến rồi.” Chúc Phồn Tinh nói, “Vài ngày nữa là Thanh minh rồi.”

Nhậm Tuấn gọi điện thoại cho Chúc Phồn Tinh, nói muốn cùng Phó Giai Dĩnh đi tảo mộ cho Chúc Hoài Khang, hỏi cô có muốn đi cùng họ không.

Chúc Phồn Tinh từ chối khéo, nói muốn tự mình đi, dẫn theo hai em trai, có thể nói chuyện với bố lâu hơn một chút.

Trần Niệm An đã có thể đi lại bình thường, nhưng vẫn chưa thể chạy. Vào đúng ngày Thanh minh, Chúc Phồn Tinh dẫn theo cậu và Chúc Mãn Thương, đi xe buýt chuyên tuyến đi tảo mộ đến nghĩa trang.

Hôm nay trời mưa, tiết Thanh minh mưa bay lất phất. Cứ đến mùa này, Tiền Đường luôn có mưa.

Trong nghĩa trang, người đi tảo mộ rất đông. Ban đầu Chúc Phồn Tinh còn không tìm thấy mộ của bố, dẫn theo hai cậu bé leo nhầm một ngọn đồi. Ba nhóc con đi tới đi lui trước những hàng bia mộ, mãi mà không tìm thấy Chúc Hoài Khang.

Trần Niệm An che ô, dắt Chúc Mãn Thương, ngơ ngác hỏi: “Chị ơi, chú Chúc rốt cuộc ở đâu vậy ạ? Chị không nhớ à?”

Sau khi bố được chôn cất, Chúc Phồn Tinh chưa từng đến đây, Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương càng là lần đầu tiên đến. Cô thật sự không nhớ rõ nữa, chỉ có thể gọi cho Nhậm Tuấn. Nhậm Tuấn nghe xong bật cười, nói: “Khu C, đếm từ dưới lên hàng thứ mười hai, vị trí hơi lệch về giữa.”

Chúc Phồn Tinh kêu lên: “Ôi ôi ôi! Thảo nào, cháu chạy đến khu D rồi.”

Ba nhóc con tiu nghỉu đi xuống bậc thang, tìm đến khu C rồi lại leo lên, cuối cùng cũng tìm thấy bia mộ của Chúc Hoài Khang ở hàng thứ mười hai.

Mưa lất phất rơi trên mộ, Chúc Phồn Tinh che ô, lặng lẽ nhìn ảnh của bố, còn có những bó hoa tươi, nến, chai rượu, bánh trôi thanh minh… và mấy điếu thuốc bị mưa dập nát bày trước mộ. Cô cố gắng nở nụ cười, nói: “Bố ơi, chúng con đến thăm bố đây. Xin lỗi bố, vừa nãy tìm mãi không ra, con còn tưởng bố đang chơi trốn tìm với con nữa.”

Trên bia mộ, Chúc Hoài Khang mỉm cười nhìn họ, vẫn là dáng vẻ phong độ ngời ngời.

Chúc Phồn Tinh cười rồi lại khóc, nước mắt lã chã rơi xuống, nghẹn ngào nói: “Hổ Tử và Mãn Bảo đều đến rồi. Đây là lần đầu tiên hai em ấy đến thăm bố. Bố đừng trách họ, đặc biệt là Hổ Tử, chân em ấy mới khỏi được mấy ngày, sau này, chúng con cũng sẽ đến thăm bố hàng năm.”

Mắt Trần Niệm An cũng ướt đẫm, cậu lén lau nước mắt, nhìn những đồ cúng mà chị gái chuẩn bị, ôm Chúc Mãn Thương, hỏi: “Chị ơi, có nhiều người đến quá, chị biết là ai không?”

Chúc Phồn Tinh nói: “Chị đoán chắc là cô dượng đã đến, còn có chú Nhậm và dì Giai Dĩnh. Những người khác thì chị không biết, bạn bè của bố chị nhiều lắm, họ đến thăm bố cũng sẽ không báo cho chị đâu.”

Sự chú ý của Chúc Mãn Thương lại đặt trên những chữ khắc trên bia mộ. Cậu bé chưa học bảng chữ cái, nhưng đã học được một số chữ thông qua truyện tranh, đặc biệt là tên của mình và người nhà, cậu đều nhận ra.

Cậu biết đây là bia mộ của bố, nhận ra tên “Chúc Hoài Khang”, còn có ngày tháng năm sinh:

Sinh ngày 25 tháng 3 năm 1967

Mất ngày 18 tháng 7 năm 2009 

Lạc khoản là: Con gái Chúc Phồn Tinh kính lập

Chúc Mãn Thương không nhận ra hai chữ “kính lập”, nhưng cậu nhận ra “Chúc Phồn Tinh”.

Cậu rất khó hiểu, vì sao không có tên của mình?

Chúc Phồn Tinh ngồi xổm trên mặt đất bày biện đồ cúng. Trần Niệm An giúp cô che ô, Chúc Mãn Thương đột nhiên ngồi xổm xuống bên cạnh cô, kéo tay áo cô, hỏi: “Chị ơi, em thật sự không phải là con của bố à?”

Chúc Phồn Tinh giật mình kinh hãi, không biết nên trả lời thế nào.

Chúc Mãn Thương lại hỏi: “Cái người lần trước kia cứ bắt em gọi ông ta là bố, em không gọi, ông ta liền đánh em. Người đó là bố của em thật sao?”

Chúc Phồn Tinh: “…”

Trần Niệm An rất căng thẳng, muốn kéo Chúc Mãn Thương dậy: “Mãn Bảo, em đừng nói chuyện này trước mặt chú Chúc, chú ấy nghe thấy đấy.”

Chúc Mãn Thương nhìn về phía bia mộ, nói: “Bố ơi, bố thật sự nghe thấy ạ? Vậy bố nói cho con biết đi, con rốt cuộc là con của ai ạ?”

Sự im lặng lan tràn trong không gian nhỏ bé này. Chúc Mãn Thương vẫn không nhận được câu trả lời, lại đứng lên, chui vào dưới ô của Trần Niệm An, giơ hai tay ôm lấy eo anh trai, vùi mặt vào quần áo anh.

Trần Niệm An biết Mãn Bảo đang khóc, nhưng chị gái không nói gì, cậu cũng không dám vượt quyền trả lời. Chúc Phồn Tinh lặng lẽ bày biện đồ cúng xong, thắp ba nén hương, cúi đầu vái bố ba cái trước.

Cô khẽ nói: “Bố ơi, bây giờ có thể nói cho Mãn Bảo biết chưa ạ?”

Không ai trả lời cô.

Chúc Phồn Tinh không che ô, cứ thế dầm mưa, muốn nói chuyện với bố một lát.

“Bố ơi, bây giờ con sống rất tốt. Con đã giữ Hổ Tử và Mãn Bảo ở bên cạnh rồi. Rất nhiều người đang giúp con, chú Nhậm, dì Giai Dĩnh, ông Lưu bà Du, còn có cô dượng, họ đều giúp con rất nhiều. Mỗi ngày chúng con đều có cơm ăn, có quần áo mặc, có sách để đọc. À, bố còn chưa biết đúng không? Chúng con đã chuyển về khu Quang Diệu Tân Thôn rồi, nhà mới thì cho một người nước ngoài thuê. Chú ấy bằng tuổi bố, cũng có ba đứa con, lớn nhất là anh cả, bên dưới còn có hai cô con gái, một gia đình rất hạnh phúc. Con cảm thấy, cho họ thuê nhà cũng hợp lý.”

“Hổ Tử đang học ở trường tiểu học số 2 Diệu Đông, thành tích cũng tàm tạm thôi ạ, haizzz… Nền tảng của em ấy thật sự là hơi kém, con cảm thấy, thi vào trung học Thanh Nha có lẽ sẽ hơi khó. Nhưng chúng con đã nói rõ với nhau rồi, thi không đỗ Thanh Nha cũng không sao, học trung học Đông Diệu cũng như nhau thôi. Thái độ học tập của em ấy rất tốt, con tin rằng chỉ cần giữ vững trạng thái này, qua ba năm nữa, đến kỳ thi cấp hai, em ấy hoàn toàn có thể thi đỗ điểm cao.”

“Tấm kim loại trong chân em ấy đã được tháo ra rồi. Ca phẫu thuật thành công lắm, giờ em ấy đi lại giỏi lắm, chẳng còn khập khiễng tí nào, chỉ là không biết có ảnh hưởng gì đến mấy môn thể thao khác của em ấy không. Con trai mà, chơi bóng rổ, đá bóng đều ngầu cả, con sợ em ấy sẽ không chơi được.”

“Mãn Bảo… Mãn Bảo cũng rất tốt. Nó đã học được rất nhiều kỹ năng sống, so với khi bố còn sống thì đã giỏi giang hơn nhiều, cũng hiểu chuyện hơn nhiều. Lúc con đi ở nội trú, nó đã ở với Hổ Tử, hai đứa nó thân nhau lắm, chưa bao giờ cãi nhau, Hổ Tử là một người anh trai đặc biệt đáng tin cậy, đáng tin hơn cả Dương Dương. Dương Dương cũng mười tuổi rồi mà vẫn cứ bắt nạt Mãn Bảo. Con cảm thấy, bất kể là con trai hay con gái, tấm lòng lương thiện đều nên là phẩm chất đứng hàng đầu, con không thể nào ưa nổi hành vi bắt nạt kẻ yếu.”

“Về phần bản thân con, ừm… con học cũng tàm tạm thôi ạ. Bây giờ về cơ bản ổn định ở top 10 cả lớp, có lúc phát huy tốt, còn có thể lọt vào top 5, thi đại học vào một trường 985 bình thường thì không thành vấn đề, còn muốn thi Bắc Đại thì… hơi khó ạ.”

“Bố ơi, con nhớ bố lắm, nhớ mẹ nữa, mẹ được chôn ở thôn Ngũ Kiều, cùng với bố của Hổ Tử. Bố mẹ ở thế giới bên kia nếu gặp nhau, ờ… đừng đánh nhau nhé, hay là đi tìm mẹ ruột của con đi, lúc rảnh rỗi, bốn người có thể chơi mạt chược cùng nhau.”

Chúc Phồn Tinh tưởng tượng ra cảnh tượng đó, bị lời nói của mình chọc cười: “Thôi được rồi, con xin phép lui xuống trước ạ, để Hổ Tử và Mãn Bảo nói với bố vài câu.”

Cô cắm ba nén hương vào một cái bánh trôi thanh minh, rồi lại châm ba nén hương đưa cho Trần Niệm An. Trần Niệm An học theo dáng vẻ của cô cúi đầu vái Chúc Hoài Khang ba cái, miệng lẩm bẩm. Chúc Phồn Tinh nghe không rõ, biết cậu đang nói chuyện riêng với bố cô.

Cuối cùng đến lượt Chúc Mãn Thương, cu cậu giơ ba nén hương lên bằng đôi bàn tay bé xíu, vẫn là câu hỏi kia: “Bố ơi, con thật sự không phải là con của bố ạ?”

Chúc Phồn Tinh: “…”

Trần Niệm An: “…”

Chuyện này xem ra là không giấu được nữa rồi, Chúc Phồn Tinh quyết định đau dài không bằng đau ngắn, ngồi xổm xuống ôm lấy Chúc Mãn Thương, nói: “Mãn Bảo, em nghe kỹ chị nói nhé. Cái người lần trước mang em đi ấy, tên là Chúc Hoài Quân, ông ấy là…”

Cô chỉ vào bia mộ, “Em trai ruột của Chúc Hoài Khang, cũng là bố ruột của em.”

Chúc Mãn Thương: “…”

Chúc Phồn Tinh nhìn vào mắt cậu: “Chúc Hoài Khang là bố của chị, em nên gọi ông ấy là bác cả.”

Chúc Mãn Thương dường như đã chuẩn bị sẵn tâm lý, đôi mắt ướt át nhìn chị gái, hỏi: “Vậy mẹ thì sao ạ? Phùng Thái Lam có phải là mẹ của em không?”

Trái tim Trần Niệm An đã thắt lại, Chúc Phồn Tinh chậm rãi lắc đầu: “Không phải, Phùng Thái Lam là mẹ của anh Hổ Tử, không phải mẹ của em, cũng không phải mẹ của chị.”

Chúc Mãn Thương sắp không kìm được nữa rồi, đôi môi run rẩy hỏi: “Vậy mẹ của em đâu ạ?”

“Chị không biết bà ấy ở đâu, chị cũng không nhớ tên bà ấy nữa.” Chúc Phồn Tinh nói, “Chị chỉ nhớ, chú út của chị, chính là bố ruột của em, gọi bà ấy là… ‘A Bình’.”

Chúc Mãn Thương ngơ ngác quay đầu lại nhìn Trần Niệm An, Trần Niệm An cũng không biết nên giải thích với cậu thế nào. Chúc Mãn Thương lại cúi đầu xuống, nghĩ ngợi một hồi, đột nhiên giơ ba nén hương lên hướng về bia mộ cúi gập người chín mươi độ, cúi liên tục mấy cái.

Nước mưa táp vào người cậu bé, cậu bé nức nở hét lớn: “Em mặc kệ! Em không cần bố mẹ khác! CEmon chỉ muốn người bố này thôi! Chúc Hoài Khang chính là bố của em! Phùng Thái Lam chính là mẹ của em! Em mặc kệ! Em cũng muốn viết tên lên! Chị ơi, chị viết tên em lên đi, ngay bên dưới tên chị, con trai, Chúc Mãn Thương! Được không ạ?”

Chúc Phồn Tinh hầu như không cần suy nghĩ, trực tiếp gật đầu: “Được! Được mà! Chị hứa với em, lát xuống núi chúng ta sẽ đi tìm nhân viên công tác đăng ký. Năm sau chúng ta đến, tên của em sẽ ở trên đó.”

Chúc Mãn Thương lúc này mới bật khóc thành tiếng: “Chị ơi, em chính là con của nhà mình, đúng không ạ?”

Chúc Phồn Tinh gật đầu thật mạnh: “Đúng!”

Chúc Mãn Thương nhìn bia mộ, nước mắt như mưa: “Bố ơi, Mãn Bảo nhớ bố lắm.”

Trần Niệm An cũng khóc òa lên, ôm Mãn Bảo vào lòng. Chúc Mãn Thương khóc đến không thở nổi, Chúc Phồn Tinh thu dọn đồ đạc, biết Mãn Bảo đã hiểu mọi chuyện rồi, chỉ là vẫn chưa thể chấp nhận, nhưng vì sao lại phải ép nó chấp nhận chứ?

Nó là đứa trẻ bị chú thím út bỏ rơi, chẳng lẽ đợi chú út chết, còn phải bắt Mãn Bảo dựng bia mộ cho ông ta sao? Dựa vào cái gì chứ?!

Nếu Mãn Bảo đã muốn khắc tên mình lên, Chúc Phồn Tinh quyết định đáp ứng cho cậu bé.

Sau khi xuống núi, Chúc Phồn Tinh thật sự đã đến văn phòng quản lý nghĩa trang, nộp ít tiền, làm thủ tục đăng ký cho Chúc Mãn Thương.

Trên xe buýt về nhà, ba chị em có được một chỗ ngồi đôi. Mãn Bảo ngồi trên đùi Chúc Phồn Tinh, Trần Niệm An ngồi cạnh cửa sổ.

Chúc Mãn Thương chịu phải đả kích, cả đường đi ủ rũ không vui, sau đó thì ngủ thiếp đi, Trần Niệm An và Chúc Phồn Tinh trò chuyện với nhau.

Nhớ lại những lời chị gái đã nói với chú Chúc trước mộ, Trần Niệm An hỏi: “Chị ơi, em phải thi được hạng mấy trong lớp thì mới có thể thi đỗ trung học Thanh Nha ạ?”

“Chuyện này thật sự khó nói lắm.” Chúc Phồn Tinh nói, “Cách thức tuyển sinh của trung học Thanh Nha khá đặc biệt. Lấy trường em làm ví dụ, kỳ thi giữa kỳ vào cuối tháng Tư sẽ rất quan trọng. Sau khi các em thi xong, sẽ có một bảng xếp hạng toàn khối, ví dụ như tổng cộng hơn ba trăm người, trường sẽ chọn một trăm bạn đứng đầu, lần lượt phát cho những học sinh này một tờ đơn, hỏi họ có muốn vào trung học Thanh Nha không.”

Trần Niệm An nghe rất chăm chú, Chúc Phồn Tinh giải thích thêm, “Bởi vì có một số người, có lẽ sống gần trường trung học Đông Diệu hơn nên họ càng muốn học ở Đông Diệu hơn. Tất nhiên trường hợp này cực kỳ ít, tuyệt đại đa số mọi người có cơ hội này đều sẽ không bỏ qua, em hiểu không?”

Trần Niệm An gật đầu: “Hiểu ạ.”

“Cho nên, sau khi thu hồi tất cả các tờ đơn, trường sẽ điều chỉnh lại danh sách, tiến cử danh sách một trăm học sinh này cho trung học Thanh Nha, sẽ kèm theo thành tích thi giữa kỳ và cuối kỳ của từng người trong lớp 5 và lớp 6, còn có những sở thích năng khiếu của từng người, những giải thưởng đã từng đạt được, những thành tích đã đạt được trong và ngoài trường, vân vân và mây mây, sẽ viết rất chi tiết, để trường Thanh Nha tham khảo.”

“Trường trung học Thanh Nha không chỉ nhận được danh sách của trường em, mà còn nhận được danh sách tiến cử của các trường khác trong khu vực. Sau khi cân nhắc toàn diện, trường sẽ công bố một danh sách trúng tuyển học sinh mới, rồi phản hồi lại để các em xác nhận. Sau lần xác nhận này, coi như là đã xác định trường học lên cấp. Ai không trúng tuyển thì trực tiếp đến trường Đông Diệu, hoặc đi thi các trường tư thục khác. Tóm lại, chắc chắn là sẽ có trường để học.”

Trần Niệm An nghe mà nguội lạnh trong lòng. Thời gian còn lại cho cậu thật sự quá ít, cậu biết, theo thành tích hiện tại của mình, thi giữa kỳ mà muốn lọt vào top 100 toàn khối là chuyện viển vông, mà cậu không có bất kỳ sở thích năng khiếu nào, cũng không có bất kỳ vinh dự nào, muốn thi đỗ Thanh Nha, đó chính là nằm mơ.

Còn nửa tháng nữa là đến ngày một tháng Năm, Cục giáo dục quận Tây Thành chuẩn bị tổ chức một cuộc thi cho ngày Quốc tế Lao động. Mỗi trường chỉ được tiến cử một nhóm học sinh tham gia, mỗi nhóm không quá năm người, thông báo đến các trường tiểu học và trung học cơ sở, để họ tiến hành sơ khảo trước trong trường.

Vào tiết Đạo đức hôm đó, cô Lâu bước vào lớp, dành phần lớn thời gian tiết học để giảng Ngữ văn trước, mười phút còn lại, cô hỏi mọi người ai biết nấu cơm.

Các bạn học nhìn nhau, ban đầu không ai giơ tay, có học sinh bạo gan hỏi: “Cô Lâu ơi, nấu mì ăn liền có tính không ạ?”

Cả lớp cười ồ lên.

“Đương nhiên không tính!” Cô Lâu cười lắc đầu.

“Nấu sủi cảo đông lạnh có tính không ạ?”

“Làm mì trộn có tính không ạ?”

“Em biết làm trứng chiên cà chua ạ.”

“Em biết làm bánh trứng, mẹ em dạy em ạ.”

“Em biết dùng lò vi sóng nướng cánh gà ạ.”

Bọn trẻ nhao nhao nói mãi, cô Lâu phủ quyết từng người một: “Nhất định phải là nấu ăn đàng hoàng, nếu làm không tốt thì không cần tham gia đâu, chắc chắn sẽ bị loại đấy, còn ảnh hưởng đến việc ôn thi giữa kỳ nữa. Không có à? Không có thì thôi, lớp mình không tham…”

Lúc này, hàng 5 tổ 1 có người ngập ngừng giơ tay.

Cô Lâu ngẩn người, hỏi: “Trần Niệm An, em biết nấu cơm à?”

Trần Niệm An đứng lên: “Cô Lâu ơi, nhà em… vào cuối tuần, đều do em nấu cơm ạ.”

Cô Lâu: “Tất cả các món đều do em làm sao?”

“Vâng ạ.”

“Bao gồm những việc như rửa rau, thái rau, xào rau, tất cả đều do em làm à?”

“Vâng ạ.”

“Được.” Cô Lâu cũng không rối rít, nói, “Vậy lớp mình sẽ cử em đi tham gia. Trần Niệm An, nếu em cảm thấy một mình không đủ, còn có thể chọn thêm hai ba bạn cùng em lập đội, bởi vì ngoài nấu ăn, còn phải giới thiệu món ăn bằng tiếng Trung và tiếng Anh, đều phải chấm điểm.”

Trần Niệm An hỏi: “Cô Lâu ơi, là cuộc thi gì ạ?”

“Cô chưa nói à? Ôi, em ngồi xuống trước đã.” Cô Lâu cười, “Là một cuộc thi nấu ăn. Lát nữa cô sẽ phát thông báo cho em, chỉ có lớp 5 lớp 6 tham gia, thi trong trường trước, quán quân sẽ đại diện trường đi tham gia cuộc thi ở quận.”

Trần Niệm An ngồi xuống: “À dạ, vâng ạ.”

Sau khi tan học, cậu nhận được tờ thông báo đó, ngẩng đầu lên, đập vào mắt là tên của cuộc thi lần này: Cuộc Thi Đầu Bếp Nhí Lần Thứ 3 Quận Tây Thành Thành Phố Tiền Đường.

← Trước Sau →

BÌNH LUẬN

  1. Chia sẻ cảm nghĩ của bạn nhé!

    Vui lòng đăng nhập để tham gia bình luận cùng chúng mình 💗

TRUYỆN CÙNG THỂ LOẠI

Hồng Anh
26
Minh Loan
1232
Giá Oản Chúc
1271
Mộ Chi
3863
Bắc Phong Vị Miên
33036