← Trước Sau →

Chương 170

Buổi chiều cuối hạ đầu thu năm ấy rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, cả Chúc Phồn Tinh và Chúc Mãn Thương đều không hay biết. Trong mắt họ, cuộc sống vẫn trôi qua bận rộn nhưng yên ả, đúng như điều mà cô hằng mong mỏi, không muốn có thêm bất kỳ biến cố nào xảy ra nữa.

Chúc Mãn Thương lại để ý thấy sự khác lạ của Trần Niệm An. Khi mà hầu hết sinh viên năm cuối đều đang thực tập hoặc ôn thi, có người thậm chí đã về quê, thì Trần Niệm An lại đi ngược dòng, anh quay trở về ký túc xá để ở.

Cậu thiếu niên tò mò hỏi: “Anh ơi, sao anh lại về ký túc xá ở? Sao không ở nhà? Phòng ký túc của anh còn ai không?”

Trần Niệm An đáp: “Còn có anh Lân nữa, nhưng cậu ấy thuê nhà ngoài trường sống với bạn gái rồi, ít khi về ký túc ngủ. Anh đang viết luận văn tốt nghiệp, thường xuyên phải đến thư viện tra tài liệu nên ở trong trường tiện hơn. Tối đến cả phòng chỉ có mình anh, cũng khá yên tĩnh và thoải mái.”

Chúc Mãn Thương không hề nghi ngờ lời anh trai, bởi với cậu, Trần Niệm An luôn là người anh đáng tin cậy nhất.

Trong số bốn chàng trai phòng 510, Văn Cẩm Trình đã về quê Hồ Bắc thực tập, Bào Tiệp cũng về Dũng Thành chuẩn bị thi cao học trái ngành, chỉ còn chàng trai Đông Bắc Lữ Hoán Lân là ở lại Tiền Đường với bạn gái, dự định đến trước Tết Nguyên Đán mới về quê.

Vào dịp Giáng Sinh năm 2019, Chúc Phồn Tinh nổi hứng cắt phăng mái tóc dài đã nuôi nhiều năm, thay bằng kiểu tóc ngắn gọn gàng đầy cá tính, còn uốn và nhuộm nhẹ, khí chất cũng hoàn toàn khác hẳn. Cô khoác chiếc áo dạ, đôi chân dài sải bước đầy tự tin, đến cả Phạm Gia Nhàn trông thấy cũng không khỏi trố mắt kinh ngạc: “Oa! Stella, em ngầu quá đi! Chị sắp yêu em mất thôi!”

Chúc Phồn Tinh cười sảng khoái: “Xếp hàng đi nhé, người yêu em nhiều lắm đó.”

Cô gọi video cho Trần Niệm An, khoe kiểu tóc mới và hỏi: “Hổ con, có đẹp không?”

“Đẹp lắm, rất ngầu.” Trần Niệm An cười đáp.

“Thật không?” Chúc Phồn Tinh nói, “Hồi chị học cấp ba, định cắt tóc ngắn ở tiệm của chú A Tường mà em không cho, còn nói chị để tóc dài đẹp hơn, em quên rồi à?”

Trần Niệm An giả vờ ngơ ngác: “Quên rồi, lúc đó em còn nhỏ mà, trẻ con nói linh tinh thôi, không tính là thật.”

Chúc Phồn Tinh cười không ngớt: “Chị đã mua sẵn quà sinh nhật năm sau của em rồi, hè chị về sẽ mang cho em.”

Trần Niệm An hỏi: “Là gì thế?”

“Không thể nói được, nói ra thì đâu còn bất ngờ nữa.” Chúc Phồn Tinh ra vẻ bí mật, “Đắt lắm đấy nhé. Chị nói em nghe, đến chị còn chưa dám mua món đồ đó cho mình cơ.”

Đó là một chiếc áo khoác dạ dáng ngắn màu đen dành cho nam, thương hiệu đình đám, chất liệu tuyệt hảo, đường cắt may tinh tế. Ngay từ khi mẫu mới vừa ra mắt, Chúc Phồn Tinh đã mê mẩn, nghĩ rằng Trần Niệm An mặc vào chắc chắn sẽ rất đẹp. Khuyết điểm duy nhất chính là giá quá đắt.

Cô nghĩ, mùa hè năm sau Hổ con sẽ tốt nghiệp đại học, chính thức bước ra xã hội. Phong cách ăn mặc của cậu từ trước đến nay đều thiên về sự thoải mái, chưa từng sở hữu một bộ đồ đứng đắn. Nhân dịp sinh nhật 22 tuổi trùng với mùa tốt nghiệp, cô sẽ tặng cậu một chiếc áo thật đẹp, cũng coi như tận dụng tối đa vóc dáng cao ráo như giá treo đồ của cậu.

Cuối cùng, nhân dịp Black Friday giảm giá, Chúc Phồn Tinh phấn khích chạy đến trung tâm thương mại, cắn răng mua chiếc áo khoác ấy về.

Tính ra, từ khi đặt chân đến Paris vào tháng Tám năm 2016, đến nay cô đã sống ở thành phố này hơn ba năm. Một mình thuê một căn hộ nhỏ, tự nấu ăn, tự giặt giũ, đi làm rồi tan làm, nếp sống dần dần cũng hòa theo kiểu Pháp. Ví như như mỗi ngày đều phải uống cà phê, trước khi ngủ thì nhâm nhi chút vang đỏ để dễ chợp mắt. Ngay cả các món ăn nhạt nhẽo của người da trắng cũng không khiến cô nhăn mặt nữa, chẳng như hồi mới sang, suốt ngày nhớ da diết những món cơm nhà mà Trần Niệm An nấu.

Người Pháp có một kiểu “thảnh thơi” vừa đáng yêu lại vừa gây bực mình. Chuyện to đến mấy, chỉ cần hết giờ làm là chẳng thèm quan tâm. Nhờ có chế độ phúc lợi xã hội tốt, phần lớn người dân không cần phải cày cuốc cực khổ mà vẫn có thể sống sung túc, nên họ luôn cho rằng cuộc sống quan trọng hơn công việc.

Giờ nghỉ trưa, chẳng thấy ai ngồi ở bàn làm việc, người thì tụ tập tán gẫu ở khu pantry, người thì vào phòng giải trí đánh bi-a. Khi nghỉ phép, họ sẽ cùng gia đình đi biển nghỉ dưỡng. Muốn liên hệ công việc ư? Xin lỗi, đợi sau kỳ nghỉ hãy nói.

Ở công ty truyền thông của Claire, Chúc Phồn Tinh làm việc khá thuận lợi, thu nhập cũng không thấp. Ngành nghề của cô có liên hệ mật thiết với giới thời trang và nghệ thuật, nên ngoại hình và gu ăn mặc của cô cũng ngày càng thời thượng và rạng rỡ. Vì vậy, cô chưa bao giờ thiếu người theo đuổi. Có vài người đàn ông vừa có học thức, vừa có tố chất và ngoại hình, theo đuổi cô bằng đủ kiểu lãng mạn khiến người khác phải trầm trồ. Nhưng Chúc Phồn Tinh vẫn luôn dửng dưng mà không xiêu lòng.

Cô chỉ có một lý do từ chối duy nhất. Đó là trong một hai năm tới, cô sẽ quay về Trung Quốc phát triển sự nghiệp, chưa từng có ý định định cư lâu dài tại Pháp.

“Tại sao? Paris không tốt ư?” Một người theo đuổi từng hỏi cô như vậy.

Chúc Phồn Tinh mỉm cười đáp: “Paris rất tốt, tôi cũng rất thích nơi này. Nhưng người nhà tôi đều ở Trung Quốc, tôi không muốn sống tha hương một mình mãi như vậy. Nếu tôi dễ dãi bắt đầu một mối quan hệ tình cảm tại đây, thì đó là điều không công bằng với đối phương. Đến lúc tôi phải rời đi, chính tôi cũng sẽ thấy day dứt.”

Thời gian và không gian đã kéo giãn khoảng cách giữa Chúc Phồn Tinh và Trần Niệm An. Cho đến giờ phút này, cô vẫn cố chấp tin rằng mình và cậu nhất định phải giữ mối quan hệ chị em, chỉ có như vậy thì tình cảm này mới có thể duy trì lâu dài.

Bất ngờ có thể mang đến cảm giác kích thích, khiến adrenaline tăng cao. Thế nhưng, điều đó cũng đồng nghĩa với rủi ro, thậm chí là tổn thương. Nếu mối quan hệ giữa hai người có sự thay đổi về chất, thì đó sẽ là bước ngoặt không thể quay đầu. Không ai dám đảm bảo rằng sau khi thay đổi một lần thì sẽ không có lần thứ hai.

Mà một khi thay đổi lần nữa, thì chẳng còn cách nào trở lại như ban đầu.

Chúc Phồn Tinh muốn tránh khỏi những điều bất ngờ, muốn giảm thiểu mọi rủi ro. Cô muốn giữ một mối quan hệ lâu dài, ổn định, thân thiết nhưng không vượt giới hạn với Trần Niệm An. Thế nhưng cô không hề nghĩ đến, chuyện bất ngờ không chỉ xảy ra với một người, hai người, hay một nhóm nhỏ.

Phạm vi mà điều bất ngờ có thể bao phủ lại rộng đến mức cả một thành phố, một tỉnh, một quốc gia, thậm chí là… cả thế giới.

Cơn bão ập đến dữ dội, khiến người ta trở tay không kịp.

Ngày 23 tháng 1 năm 2020, Vũ Hán bị phong tỏa toàn thành phố.

Đó là một cái Tết không yên bình, nhịp sống của tất cả mọi người bị đảo lộn.

Tại Tiền Đường, người người hoang mang, cỏ cây cũng như sắp nổi loạn. Trên mạng thì thật giả lẫn lộn, tin đồn và sự thật tràn lan, khiến người ta không biết nên tin vào điều gì.

Văn Cẩm Trình đang ở Hồ Bắc, liên tục cập nhật tình hình địa phương trong nhóm ký túc xá, nhắc nhở các bạn có việc thì hẵng ra ngoài, ra ngoài nhất định phải đeo khẩu trang.

Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương đang nghỉ đông ở nhà, nhìn những tin nhắn dồn dập trong nhóm, hai anh em đều trầm mặc.

Đêm Giao thừa, họ ăn một bữa cơm tất niên đơn giản, chẳng còn tâm trí nào xem chương trình mừng xuân. Ngoài đường phố vắng bóng người và xe cộ, càng không có tiếng pháo hoa, chỉ còn lại sự yên tĩnh đến đáng sợ.

Chúc Mãn Thương lo lắng hỏi Trần Niệm An: “Anh ơi, sau khi khai giảng thì sao đây?”

Trần Niệm An đáp: “Không biết nữa, chờ tin tức thôi.”

Trong nhà không có người lớn, cả hai đều chưa từng trải qua chuyện như vậy. Khi dịch SARS bùng phát năm 2003, Trần Niệm An còn chưa tròn năm tuổi, Chúc Mãn Thương thì thậm chí còn chưa chào đời. Chỉ có Chúc Phồn Tinh là có chút ấn tượng, nhưng khi đó cô cũng chỉ mới tám tuổi, chưa thật sự cảm thấy sợ hãi.

Ba chị em gọi video cho nhau, hỏi thăm tình hình từng nơi. Ở Pháp, ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào ngày 24 tháng 1, sau đó dịch bệnh lan nhanh chóng. Chính phủ bắt đầu triển khai các biện pháp phòng dịch. Chúc Phồn Tinh nói: “Chị vẫn ổn, chỉ là không biết chuyện này bao giờ mới kết thúc.”

Không ai biết bao giờ chuyện này mới kết thúc. Lúc ấy, họ vẫn còn lạc quan, nghĩ rằng chỉ một tháng, cùng lắm là hai ba tháng, rồi mọi chuyện sẽ qua.

Họ quá ngây thơ rồi.

Cuối tháng Một, khu chung cư Dung Thạnh Phủ bắt đầu áp dụng quản lý khép kín, người lạ hoàn toàn không được vào trong, cư dân muốn ra vào phải đo thân nhiệt.

Đầu tháng Hai, chính quyền thành phố Tiền Đường ra thông báo, tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở hoãn khai giảng, chuyển sang học online.

Giữa tháng Hai, biện pháp phòng dịch tiếp tục được siết chặt, mã sức khỏe ra đời.

Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương bị kẹt ở trong nhà. Chúc Mãn Thương không bước ra khỏi cửa, ngày ngày dán mắt vào iPad học online, buồn chán đến mức sắp mọc rễ đến nơi. Trần Niệm An thỉnh thoảng mới ra ngoài mua rau, lần nào cũng đeo khẩu trang kín mít, ngoài ra không còn ra ngoài làm gì khác.

Cuộc sống của mọi người bị buộc phải nhấn nút tạm dừng.

Ngô Hạo Hạo đang ôn thi cao học cảm thấy vô cùng khổ sở. Cậu ấy đã vượt qua vòng sơ tuyển vào khoa máy tính của Đại học A, nhưng vòng phỏng vấn dự kiến giữa tháng Ba phải chuyển sang hình thức trực tuyến.

Nhậm Tuấn và Phó Giai Dĩnh bắt đầu làm việc tại nhà. Nhậm Thi Bội phải trải qua sinh nhật tuổi hai mươi tư trong lúc cách ly. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô ấy làm việc một năm tại một công ty game ở Tiền Đường, vất vả đến mức bị rối loạn kinh nguyệt. Trước Tết, sau khi nhận được thưởng cuối năm, cô ấy lập tức nghỉ việc, giờ thì đang ngồi nhà hối hận.

Mùa thu năm nay, Chúc Hoài Văn sẽ tròn năm mươi tuổi, chính thức đến tuổi nghỉ hưu. Vài năm trước, vì tuổi cao nên bà bị cho nghỉ việc ở một công ty tư nhân, những năm gần đây chỉ có thể làm thêm ở siêu thị kiếm sống. Trụ cột kinh tế của gia đình là Vương Đông, nhưng giờ đây, việc ra ngoài lái xe cũng chẳng dễ dàng gì, quá nguy hiểm.

“Anh nói xem, nếu đến tháng Sáu mà tình hình vẫn nghiêm trọng thế này, Trần Niệm An có chuyển đi không?” Chúc Hoài Văn lo lắng hỏi chồng, “Nó mà đi thật, Hoài Quân cũng không về được, thế thì Mãn Bảo biết làm sao?”

Vương Đông cũng chỉ còn biết thở dài.

Việc bị nhốt trong nhà không ảnh hưởng quá nhiều đến Trần Niệm An. Mỗi ngày anh đều ngồi viết kịch bản. Bộ “Người Nhà Nào” anh đã miệt mài sáng tác suốt một năm hai tháng, sửa đi sửa lại vô số lần, cuối cùng cũng hoàn thành trọn vẹn vào tháng Tư năm đó.

Trần Niệm An tự thấy độ hoàn thiện rất cao, viết đến tập cuối còn xúc động đến rơi nước mắt. Anh gửi năm tập đầu cho thầy Thi Nguyên Khải nhờ góp ý, rồi mạnh dạn đề xuất, mong thầy có thể giới thiệu giúp với các công ty sản xuất phim truyền hình hợp tác với thầy.

Sau khi đọc xong năm tập đầu, thầy Thi hỏi xin anh phần đề cương tổng thể của cả bộ. Nhưng Trần Niệm An lại giữ ý, nói là chưa viết đề cương, năm tập này là do cảm hứng dâng trào nên viết liền một mạch, còn phần sau thì chưa nghĩ tới.

Thi Nguyên Khải gọi điện cho anh, nói: “Vậy cậu viết xong đề cương trước đi, tôi xem qua rồi tính tiếp. Tiểu Trần à, tôi thấy kịch bản này rất có tiềm năng, đúng là có thể phát triển thành phim. Nhưng cậu cũng biết đấy, bên sản xuất phim rất thực dụng, thường chỉ nhìn vào danh tiếng, ít khi dùng kịch bản của người mới. Nếu cậu đồng ý, tôi có thể dùng danh nghĩa studio của tôi để giới thiệu, như vậy khả năng được duyệt sẽ cao hơn nhiều, cậu thấy sao?”

Trần Niệm An chỉ quan tâm một chuyện, hỏi: “Vậy em có được ký tên không ạ?”

“Chuyện này thì…” Thi Nguyên Khải nói, “Biên kịch chính nhất định phải là tôi, như vậy bên sản xuất mới chịu nể mặt tôi mà đọc bản thảo, nếu không thì người ta còn chẳng thèm xem đâu. Thế này đi, tôi có thể cho cậu đứng tên là đồng biên kịch, cũng coi như có tên rồi mà.”

Trần Niệm An trầm ngâm giây lát rồi nói: “Thầy Thi, xin lỗi thầy. Kịch bản này có ý nghĩa rất lớn đối với em, em chỉ chấp nhận đứng tên là biên kịch chính thôi.”

Giọng Thi Nguyên Khải lập tức lạnh xuống: “Trần Niệm An, cậu cũng không còn là tay ngang mới vào nghề nữa, chắc cũng đã hiểu rõ ngành này thế nào. Nói thẳng ra, với kinh nghiệm của cậu bây giờ, muốn tự mình đi tìm bên sản xuất để làm dự án này là điều không thể. Đừng quên, sau khi tốt nghiệp cậu vẫn định đến studio của tôi làm việc. Dù sao thì kịch bản này cũng sẽ là dự án của studio tôi, cậu được chia tiền, lại có tên trong danh sách biên kịch, còn gì mà không hài lòng?”

Trần Niệm An nói: “Những kịch bản trước đây em đều không tranh giành, nhưng kịch bản này thì không được. Xin lỗi thầy, em chỉ có thể chấp nhận ký tên là biên kịch chính.”

Cuộc trò chuyện kết thúc mà chẳng mấy vui vẻ.

Sau đó, Thi Nguyên Khải còn gọi lại mấy lần, yêu cầu Trần Niệm An gửi đề cương toàn bộ kịch bản. Nhưng anh nhất quyết không đưa, nói phải ký hợp đồng, cam kết tên anh là biên kịch chính thì mới cung cấp đề cương.

Thái độ cứng rắn của anh khiến Thi Nguyên Khải tức giận. Người đàn ông trung niên bề ngoài nho nhã đó bắt đầu buông lời ác ý qua điện thoại.

“Trần Niệm An, xem ra cậu không định đến làm việc ở chỗ tôi nữa rồi.”

Trần Niệm An: “…”

“Được thôi, vậy thì tự mình xoay sở đi.” Giọng ông ta đầy khinh bỉ, “Tôi nói trước nhé, Trần Niệm An, đời này cậu đừng mong nổi danh trong ngành.”

Trần Niệm An: “…”

Thi Nguyên Khải tiếp tục: “Bây giờ ngoài kia loạn lắm, người ta còn lo bảo toàn mạng sống, cậu thử tự đi tìm nhà đầu tư xem có ai thèm đoái hoài đến cậu không. Một thằng nhóc ranh con mà mơ mộng hão huyền! Tôi nâng đỡ cậu bao nhiêu năm, không ngờ cuối cùng lại bị cậu trở mặt phản bội!”

Trần Niệm An: “???”

Anh phản bội khi nào chứ? Anh đã làm việc cho Thi Nguyên Khải hơn ba năm, viết bao nhiêu kịch bản cho ông ta. Studio nhận thù lao vài chục nghìn, thậm chí mấy trăm nghìn mỗi tập, đến tay anh chỉ còn hai ba nghìn, lại còn không có tên trong danh sách biên kịch.

Vậy mà gọi là phản bội?!

Tính cách Trần Niệm An vốn điềm tĩnh, nhưng dù sao anh cũng chỉ là một thanh niên hơn hai mươi tuổi. Có câu “trâu nghé không sợ hổ”, mà anh chính là con hổ con đầy máu nóng đó. Ba năm hơn nhẫn nhịn làm việc dưới trướng Thi Nguyên Khải, anh đã chịu đủ rồi!

Chính vì sự vô liêm sỉ của Thi Nguyên Khải, Trần Niệm An hoàn toàn từ bỏ ý định làm việc tại studio của ông ta.

Nguyễn Tuệ gọi điện cho anh khuyên nhủ: “Em làm gì vậy? Sao lại gây chuyện lớn như thế? Đồng biên kịch cũng được mà, mọi chuyện cần phải từ từ chứ!”

“Chị Tuệ, ‘từ từ’ không phải là lý do để bị chèn ép!” Trần Niệm An nói, “Những kịch bản khác, mọi người đưa em đề cương, em phát triển thành bản hoàn chỉnh, đó là viết thuê, em chấp nhận! Nhưng kịch bản này từ đầu đến cuối là một mình em viết ra, tại sao lại phải để tên ông ta? Ông ta còn mặt dày đòi đề cương, đừng tưởng em không biết, ông ta định ăn cắp!”

Nguyễn Tuệ sốt sắng hỏi: “Em có đưa đề cương không?”

“Không.” Trần Niệm An thở phào, “May mà chưa đưa, em chỉ gửi năm tập đầu thôi.”

“Vậy… sau khi tốt nghiệp em tính sao?” Nguyễn Tuệ hỏi, “Cần chị giới thiệu công việc cho không? Chị quen vài nhà sản xuất, cũng có một số studio biên kịch. Nếu em muốn, chị có thể giới thiệu.”

Trần Niệm An nói: “Chị không sợ Thi Nguyên Khải biết rồi tức giận à? Nghe giọng ông ta thì hình như định cấm em hoạt động trong ngành luôn ấy.”

“Xí! Ông ta có bản lĩnh đó sao?” Nguyễn Tuệ cười phá lên, “Nếu thật sự giỏi thế thì studio đã không còn mở ở Tiền Đường nữa rồi. Mấy người nổi tiếng toàn ở Bắc Kinh với Thượng Hải hết ấy. Nói thật với em, Bắc Kinh là nơi có nhiều biên kịch nhất, trung tâm chính trị văn hóa mà, công ty làm phim thì đầy rẫy. Này, em có hứng thú với việc ‘Bắc tiến’ không?”

Bắc tiến à… Trần Niệm An nghĩ thầm, nghe cũng ngầu đấy chứ.

📖 Muốn đọc tiếp chương mới? Trước đó hãy ủng hộ web bằng cách nhấp nhẹ vào đây nha!
👉 Nhấp để tiếp thêm động lực cho mình nhé ❤️
← Trước Sau →

BÌNH LUẬN

  1. Chia sẻ cảm nghĩ của bạn nhé!

    Vui lòng đăng nhập để tham gia bình luận cùng chúng mình 💗

TRUYỆN CÙNG THỂ LOẠI

Mộ Chi
120
Hồng Anh
149
Giá Oản Chúc
5497
Mộ Chi
31619
Bắc Phong Vị Miên
401863
error: Content is protected !!