← Trước Sau →

Chương 120

Sáng hôm sau, Trần Niệm An bị tiếng chim “ríu rít” đánh thức.

Tiền Đường cũng có chim gọi cậu dậy, nhưng không gọi dày đặc như thế, trong đó còn lẫn cả tiếng gà gáy, chó sủa, Trần Niệm An mơ màng với lấy điện thoại xem giờ, mới hơn năm giờ.

Điều hòa trong phòng cậu đã nhiều năm không được dùng đến, bà ngoại giặt qua lưới lọc, hiệu quả làm lạnh vẫn kém xa, Trần Niệm An ngủ mà ra mồ hôi đầm đìa, vô cùng muốn có một cái quạt điện.

Trần Niệm An nằm ườn trên giường đến hơn sáu giờ rồi dậy rửa mặt, xuống nhà ăn sáng. Bà ngoại đang làm việc, ngạc nhiên nhìn cậu: “Hổ Tử, cháu dậy sớm thế?”

Trần Niệm An nói: “Cháu quen rồi, bình thường đều hơn sáu giờ đã dậy, trường cháu bảy giờ bốn mươi phải có mặt ở trường để tự học buổi sáng.”

“Khổ thế cơ à.” Bà ngoại nhìn cậu đầy yêu thương, “Tối qua ngủ ngon không? Cái giường kia bà lau rồi, chăn chiếu đều sạch sẽ cả, cháu ngủ quen không?”

Trần Niệm An nói: “Ngủ quen ạ, cái giường này cháu ngủ mười một năm rồi mà, chỉ là… hơi ngắn.”

“Thế là cháu lớn rồi đấy.” Bà ngoại cười, “Nào, cháu ngồi xuống đi, bà đi lấy bữa sáng cho cháu.”

Trần Niệm An đi theo bà vào bếp: “Để cháu tự lấy ạ.”

Bà ngoại nấu cháo và bánh bao, còn hấp cả bánh dày mè. Trần Niệm An vừa ăn sáng, vừa hỏi: “Ông ngoại đâu ạ?”

Bà ngoại ngồi xuống bên cạnh cậu, nói: “Đi ra đồng làm rồi, ngày nào ông ấy cũng dậy lúc bốn năm giờ sáng, tối đi ngủ sớm, hôm qua là vì đợi cháu chứ không ông ấy ngủ lâu rồi.”

Trần Niệm An và bà ngoại trò chuyện, nói về tình hình gần đây của gia đình cậu. Bà ngoại nói, Phùng Trí Quang vẫn đang làm việc trong một nhà máy ở huyện, Ô Lệ Cúc cũng đi làm rồi, làm nhân viên sắp xếp hàng hóa ở một siêu thị. Hai vợ chồng làm việc vất vả, là để dành tiền cưới vợ cho Phùng Kế Cường. Phùng Kế Cường đang học sửa ô tô, học không giỏi lắm, dăm ba bữa là trốn việc đi chơi net, nghe nói còn quen một cô bạn gái lớn hơn hai tuổi, là một em gội đầu ở tiệm làm tóc.

“Cậu cháu nói, đợi Cường Cường đủ mười tám tuổi, học nghề xong, xem có thể cho nó đi Tiền Đường làm việc không.” Bà ngoại nói, “Cháu ở đó mà, hai anh em cũng tiện chăm nom nhau.”

Trần Niệm An: “…”

Cậu không nỡ nói thật với bà ngoại rằng quan hệ giữa cậu và Phùng Kế Cường hồi nhỏ đã rất kém, mấy năm gần đây lại càng không liên lạc gì, cứ nhất định bắt họ dựa vào chút quan hệ huyết thống đáng thương kia để “chăm nom nhau”, đó chỉ có thể là những hình dung tốt đẹp về “anh em hòa thuận” của người già, căn bản không thể thực hiện được.

Ăn sáng xong, Trần Niệm An nói muốn đi tảo mộ cho bố mẹ, bà ngoại muốn đi cùng, cậu từ chối khéo, nói hai lần trước đều là một đám người đi, lịch trình vội vàng, chỉ có thể cúng bái đơn giản, lần này hiếm khi có được thời gian rảnh rỗi, cậu muốn đi một mình, có thể nói chuyện với mẹ cho đàng hoàng.

Bà ngoại hiểu ý cậu, giúp cậu chuẩn bị một ít đồ cúng, tiền giấy và hương nến. Trần Niệm An xách túi, một mình rời khỏi căn nhà nhỏ.

Cậu vẫn nhớ con đường đến nghĩa trang của bố mẹ, đoạn đường khá xa, phải đi hơn một tiếng mới đến. Trên đường đi, cậu gặp một số người dân trong làng, đa số là trung niên và cao tuổi, có một số cậu vẫn còn nhận ra, có một số đã không còn ấn tượng gì. Tương tự, số người dân làng có thể nhận ra cậu cũng rất ít, khi đi qua một hộ nông dân, một bà lão mặc áo xám đang làm việc nói với một bà lão mặc áo xanh: “Bà  xem, đây là Hổ Tử phải không? Cháu ngoại nhà họ Phùng.”

Bà lão áo xanh trả lời chắc nịch: “Không phải! Không thể nào, Hổ Tử ở Tiền Đường cơ mà, sẽ không về đâu.”

Trần Niệm An nghe mà buồn cười, vượt qua họ, tiếp tục đi về phía trước.

Cuối cùng cậu cũng đến trước mộ của bố mẹ, một nơi non xanh nước biếc, dưới chân núi.

Trần Niệm An bày biện đồ cúng, thắp hương cho bố mẹ, rồi lại đốt tiền giấy. Sau khi làm xong tất cả các nghi thức, cậu ngồi phịch xuống tựa lưng vào bia mộ, ngẩng đầu nhìn trời.

“Bố, mẹ, con đến thăm bố mẹ đây. Lần này chỉ có một mình con, chị và Mãn Bảo phải mấy hôm nữa mới đến, con đến mở đường trước.”

Những cây đại thụ xung quanh mọc um tùm, có thể che chắn ánh nắng gay gắt. Trần Niệm An trốn dưới bóng cây, luyên thuyên nói chuyện với bố mẹ, đối tượng chính để trút bầu tâm sự là mẹ, còn về bố, cậu thực sự không còn chút ấn tượng nào.

“Mẹ ơi, con mười sáu tuổi rồi, sau khi khai giảng sẽ lên lớp 11. Con là học sinh cấp ba rồi, học trường trọng điểm, không làm bố mẹ mất mặt chứ ạ? Mẹ thấy con có thay đổi gì không? Nhiều người không nhận ra con nữa rồi, mẹ thì chắc chắn sẽ nhận ra, chị nói con lớn lên theo tỷ lệ, không bị lệch lạc.”

Cậu cười mấy tiếng rồi nói tiếp, “Mấy năm gần đây, con sống rất tốt, chị và Mãn Bảo đều rất yêu con, con cũng rất yêu họ. Đặc biệt là chị, chị đối xử với con thật sự rất tốt, thường xuyên mua quần áo mới giày dép mới cho con, chưa bao giờ bạc đãi con. Chị đã đưa con đi rất nhiều nơi rồi, mẹ ơi, con đi Bắc Kinh rồi đấy, tham quan Thiên An Môn, leo Vạn Lý Trường Thành, đi qua Cố Cung, con còn đến cả Thanh Hoa, Bắc Đại, sau đó là đi máy bay về Tiền Đường.”

“Tính ra, con rời khỏi đây đã tròn năm năm rồi. Hồi nhỏ con không hề dám nghĩ mình sẽ có thể sống cuộc sống bình yên, ổn định như thế này, có sách để đọc, có cơm để ăn, có áo để mặc, có nhà để ở, còn có người nhà ở bên. Con biết con nên cảm ơn, nhưng… hình như con đã phạm phải một sai lầm rồi, nói ra chắc chắn mẹ sẽ rất tức giận. Bản thân con cũng biết đây là không đúng, nhưng con không kiềm chế được, mẹ ơi, con…”

Trần Niệm An chớp mắt, nói: “Con thích chị rồi.”

Im lặng.

Những đám mây trên bầu trời chậm rãi di chuyển, thỉnh thoảng có chú chim non bay lướt qua tầm mắt. Trần Niệm An nhìn về phía màu xanh lục đậm nhạt kia, “Mẹ đừng căng thẳng, con sẽ không cho chị ấy biết đâu, đây là bí mật của chúng ta.”

“Mẹ biết không, chị có bạn trai rồi, anh ấy tốt lắm, con có thể nhìn ra được anh ấy thật sự rất thích chị, người nhà anh ấy cũng rất hiền lành, con đã gặp hết rồi. Mẹ cứ yên tâm đi, con sẽ giúp chị xem xét kỹ càng, nếu họ dám bắt nạt chị, con nhất định sẽ không tha cho họ.”

“Bây giờ, ngoài chuyện này ra, con hình như không có phiền não nào khác. Về việc học hành, con tự biết lượng sức mình, nếu đặt mục tiêu là đại học A, cố gắng thêm chút nữa thì con có hy vọng thi đỗ. Lúc đầu, chị vì chúng con mà không đi Bắc Đại, ở lại Tiền Đường. Con biết con phải giống như chị, trước khi Mãn Bảo lớn lên, con không thể rời khỏi Tiền Đường, đó là sứ mệnh của con. Cho nên, đại học A là lựa chọn tốt nhất, con không cân nhắc đến trường khác.”

“Mẹ ơi, con nhớ mẹ quá.”

“Ông bà ngoại già đi nhiều rồi, nhưng cậu mợ lại không muốn chăm sóc họ, cậu chuyển đến huyện rồi, nghe bà ngoại nói, cả năm họ cũng chỉ về dăm ba lần. Cái khoản tiền bồi thường của mẹ vốn là bồi thường cho ông bà ngoại, cuối cùng đều bị cậu lấy hết. Một người muốn đánh, một người muốn chịu, con cũng không còn cách nào.”

“Lần này, con sẽ ở đây một thời gian, muốn ở bên bà ngoại nhiều một chút. Nói thật lòng, mẹ ơi, có lẽ là vì đã năm năm không sống cùng nhau, bây giờ cảm giác của con đối với bà ngoại… Con biết là bà rất nhớ con, thỉnh thoảng con cũng sẽ nhớ đến bà, nhưng… con mong mẹ có thể hiểu cho con, người thân nhất của con hiện tại phải là chị và Mãn Bảo, cũng chỉ có chị và Mãn Bảo. Nếu sau này ông bà ngoại gặp khó khăn trong cuộc sống, ốm đau hay là thế nào đó, con chỉ có thể giúp họ trong khả năng của mình, chứ không thể bỏ học hoặc công việc để chăm sóc họ được.”

“Hồi nhỏ, đúng là họ đã chăm sóc con, nhưng lúc đó là mẹ trả tiền. Sau này, khi con không có gì cả, chân bị gãy, thật sự cần người khác chăm sóc, họ đã làm gì? Họ ngầm đồng ý cho cậu vứt con đến Tiền Đường, giống như vứt một con chó vậy.”

“Người chăm sóc con vẫn luôn là chị, còn có ông bà sống ở tầng trên nhà con. Làm người hay làm gì cũng phải có lương tâm, con sẽ không giúp chú gánh vác trách nhiệm thuộc về cậu.”

“Nóng quá, mẹ ơi, con phải về đây, phải đi hơn một tiếng mới về đến nhà.”

Trần Niệm An xoay người đứng dậy, phủi đất trên quần, đứng đối diện với bia mộ, “Mấy hôm nữa là chị sẽ đến, con sẽ cùng với chị ấy và Mãn Bảo đến thăm bố mẹ lần nữa. Lần sau đến đây chắc cũng phải hai năm nữa, lúc đó chắc con đã thi đại học xong và nhận được giấy báo trúng tuyển, mong rằng tới lúc đó có thể mang tin vui đến cho bố mẹ.”

“Con đi đây ạ. Bố, mẹ, phải phù hộ cho con nhé, hẹn gặp lại lần sau.”

Trần Niệm An thu dọn đồ cúng, đón ánh mặt trời, phóng khoáng lên đường.

Cuộc sống ở thôn quê buồn chán nhưng nhàn hạ, đã lâu rồi Trần Niệm An không được trải qua những ngày như thế này. Không cần để ý đến chị, cũng không cần để ý đến Mãn Bảo, mỗi ngày ngủ sớm dậy sớm, nói chuyện phiếm với bà ngoại, phụ bà nấu cơm, giúp ông ngoại làm việc đồng áng. Phần lớn thời gian, cậu sẽ ở trong phòng làm bài tập, dùng máy tính xách tay viết tiểu thuyết.

Cậu chuyển bộ bàn ghế của Phùng Kế Cường đến phòng mình, là loại chiều cao bình thường, rồi lại ôm thêm chiếc quạt máy đứng từ phòng của cậu ra, bật hướng vào mình. Thèm ăn thì đi bộ ra cửa hàng tạp hóa mua cho mình một chai Coca ướp lạnh, thỉnh thoảng còn mua một que kem, rồi vừa ăn kem vừa dạo bước trên con đường làng quen thuộc, chẳng khác nào đứa trẻ thơ.

Ngày càng có nhiều người dân trong thôn biết cậu đã về, có mấy bà mấy thím còn rủ nhau đến nhà nhìn cậu, giống như đến tham quan động vật quý hiếm trong vườn thú vậy.

Ngoại hình hiện tại của Trần Niệm An vô cùng xuất chúng, khí chất cũng khác xa so với thiếu niên thôn dã. Có một thím rất thích cậu, còn kéo cô con gái mười lăm tuổi của mình đến cho cậu xem mắt, muốn hứa hôn sớm, khiến chàng thiếu niên dở khóc dở cười.

Mỗi tối cậu sẽ gọi video cho Chúc Phồn Tinh, kể cho nhau nghe hôm nay đã làm những gì, cũng sẽ nói chuyện phiếm với Chúc Mãn Thương một lúc.

Đôi khi, Chúc Phồn Tinh sẽ đột ngột gọi điện cho cậu, phần lớn là vì:

“Hổ con, sườn kho sau khi đun lửa lớn chuyển sang lửa nhỏ, còn phải ninh bao lâu nữa?”

“Hổ con, hôm nay chị đặc biệt muốn ăn tôm chiên giòn, tôm tươi đã mua rồi, làm thế nào đây? Em viết các bước ra rồi gửi cho chị với.”

“Trần Niệm An! Kem đánh răng trẻ em của Mãn Bảo hết rồi, hàng tồn kho ở đâu?”

“Hổ con, vừa rồi có người đến ghi gas, tiền gas thanh toán thế nào?”

Vào một tối mấy ngày sau đó, Trần Niệm An đang làm bài tập trong phòng, điện thoại đột nhiên hiển thị cuộc gọi video.

Nhìn cái tên nhảy nhót trên màn hình, cậu cười thầm, bắt máy.

Trên màn hình xuất hiện hai khuôn mặt chen chúc vào nhau, Chúc Phồn Tinh kêu oai oái: “Hổ con! Trần Niệm An! Đồ hổ con vô lương tâm! Em đang làm gì đấy?”

Chúc Mãn Thương: “Anh ơi! Anh ơi, anh ơi, anh có nhìn thấy em không?”

“Hai người nhỏ tiếng thôi, em có điếc đâu.” Trần Niệm An kéo điện thoại ra xa một chút, “Em đang ở trong phòng làm bài tập, hai người chưa ăn cơm à? Em vẫn luôn đợi đấy.”

Chúc Phồn Tinh cười rất vui vẻ: “Chuẩn bị ăn rồi, chị xoay camera lại cho em xem nhé. Hôm nay các món ăn đều do bạn học Chúc Mãn Thương làm đó nha! Bất ngờ không? Ngạc nhiên không?”

Trong ống kính rung lắc xuất hiện ba món một canh, trứng xào cà chua, cánh gà kho, canh rau cải, còn có một món…

Trần Niệm An cười phá lên: “Chị đừng nói dối, đấy là thịt bò om đúng không? Món đặc trưng của tiệm Quang Quang trước cổng khu nhà mình, em nhận ra được.”

Chúc Mãn Thương: “Á! Bị lộ rồi.”

“Bày ra đĩa rồi mà em còn nhận ra được cơ à?” Chúc Phồn Tinh cười ôm lấy Chúc Mãn Thương, “Trình độ của Mãn Bảo có hạn, có thể làm hai món một canh đã là giỏi lắm rồi, chúng ta nên khuyến khích em ấy. Mãn Bảo, chị thấy em siêu đỉnh!”

Cô hôn lên mặt Chúc Mãn Thương một cái “chụt”, cu cậu cười hì hì.

Trần Niệm An nhìn video, không thấy có người thứ ba, hỏi: “Anh Đại Tráng không đến à?”

“Không đến, chị bảo anh ấy đừng đến.” Chúc Phồn Tinh nói, “Chị nói với anh ấy là chị đã đón sinh nhật cùng em rồi, với lại mấy hôm nữa anh ấy phải đến đón chúng ta, mới vừa đi rồi mấy hôm nữa lại đi nữa, anh ấy sẽ mệt lắm.”

Trần Niệm An nói: “Vậy chị gọi video cho em để làm gì? Em tưởng chị muốn thổi nến cho em xem chứ.”

“Chị muốn nghe em hát thôi mà.” Chúc Phồn Tinh nói, “Hôm nay là sinh nhật chị, bánh kem có thể ăn trước, nến cũng có thể thổi trước, nhưng bài hát sinh nhật thì nhất định phải hát đúng ngày. Nào, chị chuẩn bị xong rồi, hai đứa cùng hát!”

Chúc Mãn Thương hỏi: “Anh ơi, hát không?”

Trần Niệm An cong mắt cười: “Hát, em bắt đầu đi.”

Chúc Mãn Thương hát thật to: “Chúc chị sinh nhật vui vẻ!”

Trần Niệm An ở trong phòng hát theo: “Chúc chị sinh nhật vui vẻ…”

“Chúc chị sinh nhật vui vẻ ~ Chúc chị sinh nhật vui vẻ!”

Chúc Mãn Thương vỗ tay hét to: “Chúc chị sinh nhật vui vẻ!”

Chúc Phồn Tinh cũng vỗ tay theo: “Cảm ơn! Cảm ơn các em.”

“Chị ơi, hai mươi tuổi rồi đó.” Trần Niệm An nói, “Quà sinh nhật của chị ở trong tủ quần áo phòng em, chị tự tìm đi.”

“Hửm?” Chúc Phồn Tinh nhét điện thoại cho Chúc Mãn Thương, lập tức chạy đến phòng ngủ chính. Trần Niệm An có thể nghe thấy tiếng của cô, “Ở đâu nhỉ? To cỡ nào? … A! Tìm thấy rồi!”

Cô tươi cười chạy trở về, bóc quà trước camera, Chúc Mãn Thương nhẫn nhục chịu khó trở thành một giá đỡ điện thoại hình người.

Quà sinh nhật tuổi hai mươi mà Trần Niệm An tặng cho Chúc Phồn Tinh là một tấm thiệp không bao giờ thay đổi, và một chai nước hoa. Chai nước hoa đó tuy chỉ có 30ml nhưng là thương hiệu rất nổi tiếng, hình dáng chai cũng rất đẹp. Chúc Phồn Tinh xịt hai lần lên cổ tay, ghé sát mũi ngửi, ngạc nhiên nói: “Thơm quá! Chị thích mùi này, cảm ơn em, Hổ con.”

Nhìn nụ cười của cô, Trần Niệm An nói: “Không có gì, chị thích là được.”

Đầu tháng Tám, Chúc Phồn Tinh kết thúc một tháng thực tập, thu dọn hành lý, chuẩn bị bắt đầu chuyến du lịch dài ngày của kỳ nghỉ hè này.

Sáng ngày 4 tháng 8, Lương Tri Duy xuất phát từ Đảo Hồ, lái xe đến Tiền Đường đón người. Anh không nán lại Tiền Đường mà chở thẳng hai chị em lên đường cao tốc đi về hướng An Huy.

Trên đường đi, Chúc Phồn Tinh và Lương Tri Duy thay nhau lái xe. Cả hai người đều mới lấy bằng lái có một năm nên lái rất cẩn thận. Chúc Mãn Thương một mình ngồi ở hàng ghế sau, vì không có ai nói chuyện cùng nên buồn chán ngủ quên.

Giống như những chuyến đi trước, họ nghỉ ngơi một đêm ở huyện, đặt phòng tiêu chuẩn, Chúc Phồn Tinh ngủ một mình, Lương Tri Duy và Chúc Mãn Thương ngủ chung một giường.

Sáng sớm hôm sau, họ rời khỏi huyện, hơn một tiếng sau đã đến thôn Ngũ Kiều trong bình an.

Xe dừng trước căn nhà nhỏ, Chúc Phồn Tinh là người đầu tiên nhảy xuống xe, tiếp theo là Chúc Mãn Thương, cậu bé reo hò chạy về phía căn nhà nhỏ: “Anh ơi! Anh ơi! Em đến rồi đây!”

Kết quả là, Trần Niệm An không có ở nhà, bà ngoại nói cậu theo ông ngoại đi làm ngoài đồng rồi.

Chúc Phồn Tinh đợi mười phút trong phòng khách, không ngồi yên được nữa, nói: “Bà ơi, đất của nhà bà ở đâu ạ? Cháu muốn đi tìm Trần Niệm An.”

Bà ngoại nói: “Đợi thêm lát nữa đi, họ sắp về rồi, bên ngoài trời nóng lắm.”

Chúc Phồn Tinh bĩu môi: “Cháu không muốn đợi nữa.”

Bà ngoại tưởng cô nóng lòng muốn tảo mộ, nóng lòng muốn rời đi, bất đắc dĩ đứng lên, dẫn họ đi ra đồng tìm người, Chúc Mãn Thương và Lương Tri Duy cũng đi theo ra ngoài.

Đất của nhà họ Phùng không ở trước cửa nhà mà phải đi bộ một đoạn mới đến. Mặt trời chiếu gay gắt, bà ngoại vừa đi vừa nói chuyện với Chúc Phồn Tinh, nhưng cô lại nghe không vào tai, chỉ hỏi: “Còn chưa đến ạ? Ở đâu vậy bà?”

“Đến rồi, kìa, ở ngay đó.”

Đứng trước một mảnh vườn rau, bà ngoại giơ tay chỉ về phía trước. Chúc Phồn Tinh tháo kính râm, che tay lên trán, nheo mắt nhìn ra xa.

Ông ngoại đang làm việc, bên cạnh còn có một người khác, quay lưng về phía họ.

Người kia vóc dáng cao ráo, mặc một chiếc áo thun trắng tay ngắn, quần dài xắn đến đầu gối, trên đầu còn đội một chiếc mũ rơm rộng vành, đang vung cuốc theo sự chỉ huy của ông ngoại, hăng hái cuốc đất.

Trái tim của Chúc Phồn Tinh bỗng được lấp đầy, vừa nhảy nhót vừa vẫy tay: “Hổ con! Trần Niệm An! Bọn chị đến rồi đây!”

Chúc Mãn Thương chụm hai tay vào miệng, cùng hét theo: “Anh ơi! Anh ơi!”

Thiếu niên đang làm việc nghe thấy tiếng gọi thì quay phắt đầu lại, ném cuốc đi, sải bước chạy về phía họ.

← Trước Sau →

BÌNH LUẬN

  1. Chia sẻ cảm nghĩ của bạn nhé!

    Vui lòng đăng nhập để tham gia bình luận cùng chúng mình 💗

TRUYỆN CÙNG THỂ LOẠI

Hồng Anh
26
Minh Loan
1232
Giá Oản Chúc
1271
Mộ Chi
3864
Bắc Phong Vị Miên
33043