“Mãn Bảo nói, nó muốn học đàn guitar.”
Buổi tối, khi gọi video với chị gái, Trần Niệm An kể lại chuyện đã xảy ra lúc sáng.
Cậu không ở lại ký túc xá qua đêm, đã nói với cô Diêu quản lý về tình hình gia đình. Ban đầu cô Diêu thấy không ổn, nói trong thời gian học quân sự buổi tối cũng sẽ có một số hoạt động của lớp, bảo Trần Niệm An cố gắng khắc phục.
“Cô Diêu, em xin lỗi, thật sự không khắc phục được ạ.” Trần Niệm An nói, “Em trai em mới mười hai tuổi, nghỉ hè ở nhà một mình, em không thể mấy ngày liền không về nhà, nếu nó xảy ra chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm?”
Cô Diêu không dám chịu trách nhiệm, đành phải đồng ý.
Trần Niệm An thừa thắng xông lên, nói với cô giáo rằng sau khi khai giảng cậu cũng phải về nhà mỗi tối, chuyện này không ai có thể giúp được, cậu là anh trai, phải chăm sóc em trai.
Cô Diêu không nghĩ ra cách giải quyết nào khác, chỉ có thể để Trần Niệm An viết một bản cam kết, coi như ngầm đồng ý cho cậu đi học về nhà mỗi ngày.
Chúc Phồn Tinh lười biếng dựa vào giường, trên mặt đắp mặt nạ, nghe xong thì nói: “Mãn Bảo sao lại thay đổi xoành xoạch thế? Chị chỉ nghe nói trẻ con đi học piano, violin, hoặc là học sáo trúc, đàn tranh, sao nó lại muốn học guitar? Học guitar ở đâu được nhỉ?”
Trần Niệm An ngồi trước bàn học trong phòng ngủ phụ, nhìn chị gái trên màn hình điện thoại: “Bạn cùng phòng của em nói, một số trung tâm đào tạo âm nhạc có dạy guitar cơ bản, chỉ là không biết học sinh cấp hai có được đăng ký học không.”
Chúc Phồn Tinh hỏi: “Bạn cùng phòng của em học ở đâu?”
Trần Niệm An nói: “Cậu ấy tự học, xem video trên mạng, tự luyện theo video, vì thích nên đã kiên trì mấy năm rồi.”
Chúc Phồn Tinh hỏi: “Em thấy Mãn Bảo có thật sự thích không?”
Trần Niệm An cười: “Chị đã xem bài đăng trên trang cá nhân của nó hôm nay chưa?”
Chúc Mãn Thương có điện thoại thông minh rồi, đương nhiên cũng có Wechat, biết đăng bài lên mạng xã hội.
Tính cách của Chúc Mãn Thương và Trần Niệm An rất khác nhau. Trần Niệm An đặt tên tài khoản rồi thì mấy năm cũng không đổi, còn Chúc Mãn Thương mới đăng ký Wechat được một tháng, chỉ riêng tên tài khoản đã đổi mười mấy lần, ảnh đại diện cũng thay đổi xoành xoạch, mỗi lần Chúc Phồn Tinh thấy em trai đăng bài là đều cảm thấy rất ngại.
Ví dụ như bây giờ, tên Wechat của Chúc Mãn Thương là “Mãn Mãn Tử Phát Điên”, sáng nay đã đăng một vide. Lúc đó, Văn Cẩm Trình đã dạy cậu nhập môn nửa tiếng, cậu ôm đàn guitar cúi đầu gảy dây, nhất quyết đòi Trần Niệm An quay video lại cho, kèm theo dòng chữ: [Hãy ‘get’ điểm đẹp trai của Mãn Mãn Tử!]
Chúc Phồn Tinh nhìn khuôn mặt non nớt trên video, thật sự không thấy điểm đẹp trai nào.
“Hổ con, không phải chị không muốn chi tiền cho nó học, chị chỉ sợ nó ham thích nhất thời thôi.” Chúc Phồn Tinh nói, “Thế này đi, chuyện này em cứ lo liệu, chị không can thiệp nữa. Dù sao trong tay em cũng có tiền, nếu học phí không quá đắt thì có thể cho nó đi học thử vài buổi.”
“Vâng, em sẽ tìm hiểu.” Trần Niệm An nói, “Chị, mấy năm nay Mãn Bảo không học thêm gì cả, có thể gọi là hiếm thấy ở trong lớp. Tuy nó không nói ra, nhưng thật ra em biết trong lòng nó vẫn hơi tủi thân. Trước đây chúng ta không có thời gian đưa đón nó, tiền bạc cũng không dư dả. Bây giờ em thấy, nếu nó thực sự thích môn học nào thì có thể cho nó trải nghiệm thử, nếu không, nó sẽ lớn rất nhanh.”
“Ừm, chị biết rồi, em cứ lo liệu đi.” Chúc Phồn Tinh cười nói, “Bây giờ, em chính là trụ cột gia đình thực sự của nhà chúng ta rồi đấy.”
“Chị mới là trụ cột gia đình.” Trần Niệm An nói, “Em cùng lắm cũng chỉ là người quản lý tạm thời thôi.”
Chúc Phồn Tinh cười phá lên: “Ôi trời ơi, chị đang đắp mặt nạ, đừng chọc chị cười.”
Nói xong chuyện của Chúc Mãn Thương, hai chị em bắt đầu trò chuyện.
Trần Niệm An hỏi: “Trưa nay chị ăn gì?”
“Cơm chiên trứng.” Chúc Phồn Tinh che mặt, “Em đừng cười chị.”
Trần Niệm An cảm thấy xót xa: “Ít nhất chị cũng nên ăn thêm rau, ăn thêm thịt nữa chứ.”
Chúc Phồn Tinh nói: “Chị đã gặm một quả dưa chuột rồi.”
Trần Niệm An nói: “Mấy hôm nay chưa khai giảng, sao chị không đi chơi? Không đi xem tháp Eiffel sao?”
“Ầy, đừng vội, còn ở đây lâu mà, có nhiều cơ hội.” Chúc Phồn Tinh nói, “Hôm nay em đến trường làm thủ tục nhập học, ba người bạn cùng phòng thế nào? Họ là người ở đâu? Dễ gần không?”
“Đều là người tốt ạ, một người Hồ Bắc, một người Ninh Ba, một người Đông Bắc.”
Trần Niệm An kể lại tình hình của các bạn cùng phòng.
Người bạn cùng phòng thứ ba của cậu tên là Lữ Hoán Lân, là một chàng trai cao lớn lực lưỡng đến từ Hắc Long Giang, giọng nói sang sảng, tính cách cực kỳ hướng ngoại. Trần Niệm An, Bào Tiệp và Văn Cẩm Trình nhất trí chọn cậu ấy làm trưởng phòng ký túc xá. Lữ Hoán Lân vui vẻ nhận lời, còn đặt cho ba người bạn cùng phòng những biệt danh, “An Tử”, “Bào Bào” và “Lão Văn”. Vì Văn Cẩm Trình đã học lại một năm, lại sinh tháng 11 năm 1996, là người lớn tuổi nhất trong bốn người.
Còn bản thân Lữ Hoán Lân bảo ba người bạn cùng phòng gọi mình là “Lân ca”.
Sau khi bốn người tập hợp đông đủ, Trần Niệm An mới biết, chỉ có cậu và Văn Cẩm Trình là học chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc, Bào Tiệp và Lữ Hoán Lân học ngành Quảng cáo ở khoa bên cạnh.
“Sau đó, khi xin nghỉ phép với cô Diêu, em đã hỏi cô là chuyên ngành của chúng em có bao nhiêu nam sinh.” Trần Niệm An nói, “Chị đoán xem? Gợi ý, ba lớp, tổng cộng năm mươi lăm người.”
“Ừm…” Chúc Phồn Tinh nói, “Mười người? Khoa Ngữ văn vốn là nữ nhiều nam ít.”
“Đoán nhiều rồi, sáu người.” Trần Niệm An đưa ra đáp án, “Em học lớp 2. Lớp em chỉ có em và Văn Cẩm Trình là nam, bốn nam sinh còn lại ở cùng một phòng, em và Văn Cẩm Trình chỉ có thể ở cùng với sinh viên khác ngành.”
“Ha ha ha ha…” Chúc Phồn Tinh cười phá lên, giật mặt nạ ra, “Hổ con, em phát tài rồi, sắp bị một đám con gái vây quanh rồi!”
Khi đăng ký nguyện vọng, Trần Niệm An hoàn toàn không nghĩ đến vấn đề tỷ lệ nam nữ. Giờ thì thật sự dở khóc dở cười, nhớ lại lúc sáng trò chuyện với Văn Cẩm Trình, hai người nhìn nhau với vẻ mặt lo lắng, Văn Cẩm Trình hỏi: Cậu sẽ không chuyển ngành chứ?
Trần Niệm An nói: Không, cậu sẽ chuyển sao?
Văn Cẩm Trình nói: Mình cũng không, vậy thì bốn năm tới, hai chúng ta sống nương tựa lẫn nhau nhé.
Nghe Trần Niệm An kể lại đoạn đối thoại này, Chúc Phồn Tinh cười đến chảy nước mắt, rồi hỏi: “Khi nào em bắt đầu học quân sự?”
Trần Niệm An nói: “Ngày kia.”
“Nhớ chống nắng nhé.” Chúc Phồn Tinh nói, “Năm kia em về thôn Ngũ Kiều bị rám nắng đen thui, hai năm nay vất vả lắm mới trắng lên một chút, đừng để học quân sự rồi lại bị rám nắng thành cục than.”
Trần Niệm An nói: “Em là con trai, đen một chút cũng không sao.”
“Sao lại không sao?” Chúc Phồn Tinh nói, “Chị thích con trai da trắng, da trắng nõn nà mới đẹp chứ!”
Trần Niệm An: “?”
Cậu đột nhiên nhớ đến Ôn Minh Viễn và Lương Tri Duy, quả thực đều có làn da trắng, còn Dương Phong thì hơi đen. À, thảo nào chị không thích anh ta.
Trần Niệm An nói: “Chị, em vốn dĩ không trắng, dù có chống nắng thế nào cũng không thể trắng như chị và Mãn Bảo được.”
Chúc Phồn Tinh nói: “Vậy em cũng không thể buông xuôi để mình bị rám nắng thành cục than chứ?”
“…” Trần Niệm An hỏi, “Chống nắng… phải làm sao?”
Chúc Phồn Tinh nói: “Quần áo học quân sự của Đại học A là áo dài tay, em cài khuy cổ tay cho chị, dù nóng đến mấy cũng không được xắn tay áo lên, mặt và cổ phải thoa kem chống nắng, phải luôn đội mũ, chống được chút nào hay chút đó.”
“Ồ, vâng.” Trần Niệm An nói, “Em nhớ rồi.”
Mấy ngày sau, trên sân tập của Đại học A, các sinh viên năm nhất khóa 2016 đội nắng, mặc quân phục, bắt đầu hai tuần huấn luyện quân sự. Năm mươi lăm tân sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc cùng nhau huấn luyện, trong đó gồm bốn mươi chín bông hoa tươi, cộng thêm sáu ngọn cỏ đáng thương.
Lúc nghỉ giải lao, trước mặt mấy chục nữ sinh, Trần Niệm An lấy từ trong balo ra một tuýp kem chống nắng, thản nhiên thoa lên mặt.
Các cô gái đều sững sờ, Văn Cẩm Trình cũng trợn tròn mắt, hỏi: “Cậu kỹ tính thế à?”
“Ừm.” Trần Niệm An nói, “Chị mình không cho mình bị rám nắng.”
Văn Cẩm Trình: “…”
Trần Niệm An và Văn Cẩm Trình đều cao ráo, lại đẹp trai. Giảng viên rất tinh nghịch, bảo các nữ sinh bỏ phiếu chọn giữa hai người, chọn ra một người cầm cờ trong lễ duyệt binh.
Các cô gái xì xào bàn tán, tiếng cười khúc khích vang lên. Văn Cẩm Trình mặt lạnh tanh, hỏi: “Thầy ơi, em có thể bỏ cuộc không?”
Trần Niệm An liếc cậu ấy, giảng viên quay mặt về phía mọi người, hét lớn: “Các em có đồng ý cho bạn ấy bỏ cuộc không?”
“Không đồng ý!” Các cô gái hét rất to.
Trần Niệm An xấu hổ muốn chết, cùng Văn Cẩm Trình đứng trước hàng, giống như hai “tú nam” đang chờ được lật bài, giảng viên nói: “Ai chọn anh chàng tóc xoăn này thì giơ tay lên.”
Văn Cẩm Trình: “…”
Rất nhiều cánh tay giơ lên, tổng cộng 32 phiếu.
“Hơn một nửa rồi.” Giảng viên nói, “Vậy thì anh chàng tóc xoăn…”
Các cô gái vội vàng nói: “Thầy ơi thầy ơi, chưa xong đâu, tiếp tục bỏ phiếu đi ạ!”
“Hả?” Huấn luyện viên rất hoang mang, “Vậy… ai chọn anh chàng đẹp trai này thì giơ tay lên.”
Tiếng cười của các cô gái vang lên như sóng biển.
Trần Niệm An: “…”
Số cánh tay giơ lên còn nhiều hơn, tổng cộng 43 phiếu.
“Sao lại có người chọn cả hai?” Giảng viên nói, “Không hiểu hai chọn một à?”
Có cô gái mạnh dạn trả lời: “Thích cả hai ạ!”
“Đâu có quy định không được chọn nhiều!”
“Ha ha ha ha…”
Trần Niệm An, Văn Cẩm Trình: “…”
Hai người cùng nghĩ: Lúc này mà chuyển ngành, người kia sẽ không giết mình chứ?
—
Cuối tháng Tám, Chúc Phồn Tinh ở Paris nhận được điện thoại của Quách Hiểu Xuân.
Quách Hiểu Xuân nói: “Tinh Tinh, ngày mai mình đi rồi.”
Mấy hôm trước, chuyến đi châu Phi của cô ấy gặp chút trục trặc, suýt thì bị hủy, may nhờ Diệp Tranh ra tay giúp đỡ. Bây giờ, visa và vé máy bay của cô ấy đã xong, cuối cùng cũng sắp lên đường đến Algiers, thủ đô của Algérie.
Chúc Phồn Tinh mừng cho cô ấy: “Chúc mừng cậu! Hiểu Xuân, cố lên nhé!”
“Ừm.” Quách Hiểu Xuân nói, “Cậu cũng cố lên.”
Đầu tháng Chín, Chúc Mãn Thương đạp xe đến trường trung học cơ sở Đông Diệu làm thủ tục nhập học.
Lớp 7 chưa phân lớp chọn, thật trùng hợp, cu cậu lại học cùng lớp với Khâu Tử Hàm, còn Đan Hân Đồng đã vào trường trung học cơ sở Thanh Nha. Chúc Mãn Thương ủ rũ nói với Trần Niệm An: “Anh ơi, hình như em thất tình rồi.”
Trần Niệm An ngửa mặt lên trời.
Cậu tình cờ gặp Trương Kha ở căng tin của trường, cô gái vui vẻ chạy đến trước mặt cậu, gọi: “Trần Niệm An!”
Trần Niệm An ngây người nhìn cô ấy, không nhận ra.
“Là mình, Trương Kha đây, cậu quên rồi à?”
Trần Niệm An lắp bắp: “À… sao, sao cậu… không đeo kính nữa?”
Trương Kha nhoẻn miệng cười: “Mình đeo kính áp tròng.”
Không chỉ là khác biệt giữa việc đeo kính hay không đeo kính, mà toàn bộ diện mạo của Trương Kha đã thay đổi rất nhiều. Cô nàng gầy đi hẳn, cũng cao hơn không ít, dù mặt đổ mồ hôi nhưng cũng có thể thấy đây là một cô gái xinh đẹp.
Trần Niệm An nghĩ, con gái trưởng thành nhiều thay đổi, quả nhiên người xưa không lừa ta.
Trong lễ duyệt binh bế mạc khóa học quân sự, Trần Niệm An là người cầm cờ của khối Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc, cầm cờ đi đầu hàng ngũ.
Cậu không còn là cậu bé gầy gò trước đây nữa, khung xương đã phát triển hoàn chỉnh, mặc bộ quân phục, dáng người cao lớn, thẳng tắp, ngẩng cao đầu, hừng hực khí thế bước đều, đi qua lễ đài.
“Trần Niệm An, Trần Niệm An, chậm lại một chút!”
Cô gái dẫn đầu hàng đầu tiên phía sau cậu không khỏi gọi cậu. Trần Niệm An quay đầu lại nhìn, mới phát hiện bước chân mình quá dài, đi quá nhanh, đã cách xa đội hình mười mấy mét, các cô gái đang cuống cuồng đuổi theo cậu, còn có người bị giẫm rớt giày.
Chàng trai cầm cờ điển trai thấy hơi áy náy: “Ờ, xin lỗi.”
Những chuyện thú vị này, cậu đều kể cho chị gái nghe qua video.
Chúc Phồn Tinh thích trò chuyện với Trần Niệm An. Họ có vô số chuyện để nói, từ những bình luận về tin tức nóng hổi, đến việc ăn uống hàng ngày, mỗi ngày đều báo cáo cho nhau, dường như chỉ có như vậy mới có thể vơi đi nỗi buồn xa cách.
Đến khi Đại học A chính thức khai giảng, Chúc Phồn Tinh nhập học suôn sẻ, cuộc sống của hai chị em trở nên bận rộn hơn nhiều, tần suất gọi video mới dần dần giảm bớt. Trần Niệm An bắt đầu ép mình thích nghi với cuộc sống không có Chúc Phồn Tinh.
Cậu đi học về nhà mỗi ngày, chỉ cần buổi tối không có tiết học tự chọn, đến chiều cậu sẽ chạy xe máy điện về nhà.
Về sớm thì cậu sẽ đi chợ nấu cơm, về muộn thì mua cơm hộp ở căng tin, mang về nhà ăn cùng Chúc Mãn Thương.
Ông Lưu bảo cậu đừng vất vả như vậy, nói Mãn Bảo vẫn có thể đến căn hộ 202 ăn cơm. Trần Niệm An không đồng ý, cậu thấy ông bà đã lớn tuổi rồi, lại để họ phụ chăm sóc Chúc Mãn Thương nữa thì thật sự không nên.
Còn một lý do rất quan trọng nữa, đó là Chúc Mãn Thương bây giờ ăn rất khỏe! Phải làm bảy cái đùi gà kho, một mình Chúc Mãn Thương có thể ăn hết năm cái. Bụng trông thì lép kẹp vậy chứ ăn uống như cái hố đen, không chỉ ăn cơm tối, trước khi đi ngủ còn phải ăn trái cây, đồ ăn vặt, không ăn thì sẽ đói cồn cào.
Ăn tối xong, Chúc Mãn Thương về phòng làm bài tập. Trần Niệm An tịch thu điện thoại của cu cậu, ngồi ở phòng khách viết lách trên laptop.
Sau đó, cậu sẽ dành một tiếng đồng hồ để kiểm tra bài tập, kèm cặp bài vở cho Chúc Mãn Thương. Chúc Mãn Thương không thể lười biếng nữa, chỉ cần có chút sơ suất trong học tập, anh trai đều có thể phát hiện ra.
Lên cấp hai việc học nặng hơn cấp một rất nhiều, tối nào hai anh em cũng đều phải học đến hơn mười một giờ mới về phòng ngủ.
Trước khi đi ngủ, Trần Niệm An sẽ nhắn tin Wechat với chị gái một lúc. Lúc này, ở Paris đang là hơn năm giờ chiều, Chúc Phồn Tinh vừa tan học, chuẩn bị về căn hộ nấu ăn.
Trần Niệm An không quên “tâm nguyện” của Chúc Mãn Thương. Sau khi so sánh nhiều nơi, cậu đã đăng ký cho em trai mười buổi học guitar ở một trung tâm đào tạo âm nhạc, học vào chiều thứ Bảy hàng tuần, mỗi buổi hai tiếng.
Nơi đó cách nhà sáu cây số, Trần Niệm An không yên tâm để Chúc Mãn Thương tự đi tự về mà lần nào cũng đi cùng. Chúc Mãn Thương học ở trong, cậu ngồi đọc sách ở ngoài.
Phụ huynh đưa con đến học có bố mẹ hoặc ông bà, Trần Niệm An luôn là người trẻ nhất. Cậu đã sớm hiểu được nỗi vất vả của việc nuôi dạy con cái. Có một bà mẹ đưa con trai lớn đến học, trên tay còn bế đứa con nhỏ hơn một tuổi. Sau vài lần gặp mặt, hai người quen nhau hơn, khi bà mẹ đó đi vệ sinh, Trần Niệm An sẽ giúp bà trông con.
Đó là một cô bé mũm mĩm, tay chân nhỏ nhắn như củ sen. Trần Niệm An bế vào lòng, trêu chọc cô bé. Ban đầu, cô bé thấy lạ, khóc lóc om sòm. Sau vài lần, cô bé đã nhận ra Trần Niệm An, mỗi lần được cậu bế, đều cười toe toét không ngớt.
Trần Niệm An véo cái má phúng phính của cô bé, thầm nghĩ, rồi sau này chị gái cũng sẽ có một cô con gái đáng yêu như vậy, gọi cậu là “cậu cả”.
Cậu nghe lời dặn dò của Chúc Phồn Tinh, không đi làm thêm, cũng không đi dạy kèm. Nhưng cậu không ở không, đăng ký một bút danh trên một trang web tiểu thuyết mạng dành cho nam giới, bắt đầu viết tiểu thuyết mạng. Cậu nghĩ, nếu có thể ký hợp đồng xuất bản, cũng có thể kiếm thêm chút tiền tiêu vặt.
Ở Paris xa xôi, Chúc Phồn Tinh cũng bắt đầu thích nghi với cuộc sống không có Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương.
Sinh hoạt của cô dần dần trở nên quy luật, còn quen thêm một nhóm bạn mới đến từ khắp nơi trên thế giới, trong cuộc sống không chỉ có mỗi Trương Nhã Lan.
Có một cô gái Hồng Kông tên là Phạm Gia Nhàn đã trở thành bạn thân của Chúc Phồn Tinh. Hai người cùng nhau đi du lịch, cùng nhau đến các địa điểm tham quan của Paris, cùng nhau đến bảo tàng xem triển lãm. Họ cùng nhau xem nhạc kịch, tham gia các bữa tiệc của du học sinh, cùng nhau nhâm nhi rượu vang trong căn hộ, còn cùng nhau nấu lẩu.
Trương Nhã Lan đến ăn lẩu ké, từ đó quen biết Phạm Gia Nhàn. Tính cách của ba cô gái đều hướng ngoại, rất hợp nhau. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Quảng Đông, tiếng Phổ thông, tiếng Tứ Xuyên đều được sử dụng trong khi nói chuyện, ba người đúng là tạo ra không khí như đang họp Liên Hợp Quốc.
Thoắt cái, thu qua đông đến. Khi lấy quần áo mùa đông ra, Trần Niệm An phát hiện Chúc Mãn Thương không mặc vừa áo khoác lông vũ năm ngoái nữa, hai ống tay áo lủng lẳng trên cổ tay, nách cũng rất chật.
Cậu chỉ có thể đổi cho em trai một chiếc áo khoác lông vũ khác. Cũng là đồ cũ của cậu, size 170, màu đen, cổ áo và tay áo có sọc đỏ, là quà Tết chị gái mua cho cậu vào kỳ nghỉ đông năm lớp 7, cậu đã mặc nó đến Đài Thành.
Trần Niệm An chợt nhớ ra điều gì đó, nhân lúc không có ai xung quanh, thử mặc áo khoác vào, nhưng chỉ mặc được một tay áo, tay còn lại dù thế nào cũng không mặc vừa.
Cậu cười thầm một lúc, hơi nhớ bản thân nhỏ bé của ngày xưa.
Paris được nghỉ lễ Giáng sinh hai tuần. Chúc Phồn Tinh đã trải qua một mùa Giáng sinh đúng nghĩa nhất. Cô mặc áo khoác dạ, ăn mặc thời trang, chụp ảnh cùng Trương Nhã Lan và Phạm Gia Nhàn dưới gốc cây thông Noel khổng lồ.
Quay video chúc mừng, gửi cho Trần Niệm An thân yêu, Trương Nhã Lan cười nói: “Chị còn không liên lạc với bố mẹ thường xuyên như vậy, em đúng là cuồng em trai.”
“Đâu có?” Chúc Phồn Tinh không thừa nhận, “Sao chị không nói em trai em cuồng chị gái?”
Trương Nhã Lan nói: “Thì nó cuồng chị gái mà, hai người kẻ tám lạng người nửa cân thôi.”
Trần Niệm An ghen tị với sinh viên đại học Pháp có nhiều ngày nghỉ như vậy, Halloween nghỉ một tuần rưỡi, Giáng sinh nghỉ hai tuần, nghỉ đông hai tuần, nghỉ xuân hai tuần, nghỉ hè hai tháng…
Chúc Phồn Tinh nói: “Nhưng kỳ nghỉ đông của các em dài mà, còn có Tết nữa. Hổ con, năm nay chị không được ăn bữa cơm tất niên em nấu rồi.”
Cô gái trên màn hình video bĩu môi, đôi mắt xinh đẹp mang theo chút u oán. Trần Niệm An thật muốn đưa tay vào màn hình, véo má cô.
Cậu nói: “Bà nói rồi, ngày tháng còn dài, đợi chị về, em sẽ nấu cho chị ăn mỗi ngày.”
“Chị muốn ăn nem rán, muốn ăn mực nướng, muốn ăn thịt bò xào ớt chuông, muốn ăn măng xào, muốn ăn vịt hầm, muốn ăn cá xông khói, muốn ăn tôm hấp miến…” Chúc Phồn Tinh bắt đầu giả vờ khóc, “Hu hu hu, chị muốn ăn tất cả!”
“Vậy thì hè này chị về đi.” Trần Niệm An dè dặt nói, “Tốn hai vé máy bay, em có thể nuôi chị cả mùa hè.”
“Thôi bỏ đi, kỳ nghỉ hè thật ra cũng chỉ hơn một tháng.” Chúc Phồn Tinh nói, “Hơn nữa, vé máy bay mùa hè rất rất đắt, mùa du lịch mà. Chị hỏi các bạn học rồi, họ đều về nước vào kỳ nghỉ xuân, vì vé máy bay mùa xuân rẻ hơn, thời tiết lại đẹp. Nhưng chị về vào kỳ nghỉ xuân thì chán lắm, em và Mãn Bảo đều phải đi học, chị về cũng không có ai chơi cùng.”
Hai người cùng im lặng.
Nỗi nhớ nhung rõ ràng rất chân thật và day dứt. Trong bài hát cũng có câu “nỗi nhớ là nỗi đau biết thở”, nhưng vì những lý do này kia, cả năm họ cũng không gặp được nhau.
Trần Niệm An quyết định chuyển chủ đề: “Chị, báo cho chị một tin vui, cuốn sách có bài viết của em, mấy hôm nữa sẽ được xuất bản.”
“Thật sao?” Chúc Phồn Tinh rất vui, “Khi nào em nhận được sách, nhớ chụp ảnh cho chị xem nhé.”
“Vâng, em sẽ chụp.” Trần Niệm An nói, “Còn một chuyện nữa, hôm qua, có một đàn chị năm ba đến tìm em. Chị ấy biết em đang viết tiểu thuyết, hỏi em có muốn viết kịch bản giúp không, kịch bản phim truyền hình trên mạng, có trả tiền, nói là nếu được thông qua thì mỗi tập khoảng ba nghìn tệ.”
“Viết đi!” Chúc Phồn Tinh còn chưa hết phấn khích, chợt nghĩ, “Nhưng… ba nghìn tệ, có hơi thấp không? Viết kịch bản chỉ được từng đó tiền thôi sao?”
Trần Niệm An nói: “Là viết giúp cho một xưởng kịch bản, coi như người viết thuê, không được ghi tên.”
Chúc Phồn Tinh: “…”
Trần Niệm An giải thích: “Chị ấy nói, trong ngành biên kịch, tình trạng này rất bình thường. Những người mới vào nghề, hầu hết đều phải trải qua quá trình như vậy, em muốn thử xem, chị thấy sao?”
“Vậy thì… thử xem.” Chúc Phồn Tinh nói, “Em mới mười tám tuổi, có cơ hội như vậy đã là rất khó rồi, cứ coi như tích lũy kinh nghiệm, không mất học phí, còn có tiền, rất tốt. Hổ con, chị ủng hộ em.”
“Vâng.” Trần Niệm An nói, “Vậy mai em đi tìm chị ấy.”
Trong phòng khách, Chúc Mãn Thương ôm đàn guitar hát lớn:
“Rất lâu về trước, có một người đã yêu em rất lâu,
Nhưng cơn gió cứ dần thổi khoảng cách ra thật xa…”
Chúc Phồn Tinh nghe không rõ, hỏi: “Mãn Bảo đang hát gì vậy?”
Trần Niệm An nhìn vào mắt cô, ngân nga: “Rất lâu về trước, có một người đã yêu em rất lâu.”
“Ồ, bài ‘Ngày nắng’ của Jay Chou nhà chị!” Chúc Phồn Tinh rất ngạc nhiên, “Mãn Bảo giỏi quá, đã biết đàn bài khó như vậy rồi sao?”
“Đúng là rất giỏi, còn định biểu diễn ở trường nữa.” Trần Niệm An nói, “Nó với Khâu Tử Hàm, còn có một bạn nam khác đã thành lập một ban nhạc, tên là DYboys.”
“Cái tên này ăn theo ai thế?” Chúc Phồn Tinh hỏi, “DY là gì vậy?”
Trần Niệm An nói: “Đông Diệu.”
Chúc Phồn Tinh: “…”
Tên Wechat của Chúc Mãn Thương thay đổi liên tục, vào mùa đông năm 2016, đã đổi thành [DYboys-Chúc Duệ Hằng].
Hay lắm lun í 💕💕🌹