Trần Niệm An cứ như vậy được trường Thanh Nha nhận vào.
Sau khi các bạn trong lớp biết chuyện, phần lớn không có ý kiến gì. Ngược lại có mấy học sinh thành tích tương đương với Trần Niệm An sau khi về nhà đã kể chuyện này với bố mẹ, các bậc phụ huynh không hiểu, liền đi tìm cô Lâu hỏi: Vì sao Trần Niệm An lại được Thanh Nha nhận, mà con nhà mình ngay cả tư cách được tiến cử cũng không có?
Cô Lâu trả lời rằng, trường không tiến cử Trần Niệm An, em ấy được Thanh Nha nhận là do đã giành được chức vô địch trong một cuộc thi ở quận Tây Thành. Giáo viên tuyển sinh của trường Thanh Nha vừa hay có mặt tại hiện trường, cảm thấy em ấy có năng lực tự chủ rất tốt, tố chất toàn diện xuất chúng, ở trong nghịch cảnh cũng không từ bỏ, nên đã chủ động chiêu mộ em ấy.
Các bậc phụ huynh đều biết hoàn cảnh gia đình của Trần Niệm An, hiểu được tám chữ “ở trong nghịch cảnh cũng không từ bỏ” có ý nghĩa gì. Chuyện này giống như một vận động viên được đặc cách trong một cuộc thi thể thao, không thể thông qua con đường bình thường để vào vòng trong, nhưng lại được ban tổ chức trực tiếp mời tham gia.
Và bây giờ, trường Thanh Nha chính là ban tổ chức đó. Họ muốn nhận ai thì nhận người đó, chỉ cần khu học chánh đúng tuyến, không ai có thể chất vấn.
Cuối cùng cũng đợi được kết quả vừa ý, Chúc Phồn Tinh quyết định kể cho Trần Niệm An nghe cuộc gặp gỡ tình cờ của mình với hiệu trưởng Kim. Trần Niệm An nghe xong thì bừng tỉnh, sau đó lại lo lắng cho hoàn cảnh của mình sau khi lên cấp hai.
“Chị ơi, Thanh Nha tuyển em như vậy, đến lúc đó thi cử, có khi nào em lại đội sổ không ạ?”
“Cho dù ban đầu đội sổ, cũng không sao cả.” Chúc Phồn Tinh nhìn vào mắt cậu, “Hổ con, em phải tự tin lên, năm nay em từ đội sổ trong lớp vươn lên có thể thi vào top 20 như bây giờ, là vì sao? Là vì em vẫn luôn cố gắng. Em nên cảm nhận được rằng đây không phải là giới hạn của em, em vẫn còn rất nhiều không gian để tiến bộ, trước hết bản thân em phải không được sợ hãi. Với lại, chị cũng sẽ không yêu cầu em quá cao, cứ cố gắng hết sức là được, nếu thật sự đội sổ thì chị cũng sẽ không mắng em đâu.”
Trần Niệm An chớp chớp mắt nhìn cô: “Chị ơi, chị nói đó nha, em mà đội sổ thật, chị cũng không được mắng em đâu.”
Chúc Phồn Tinh ngoắc tay với cậu: “Chị đảm bảo, thi được trứng ngỗng chị cũng không mắng em.”
Trần Niệm An cười phá lên: “Ai lại thi được trứng ngỗng chứ.”
Chúc Phồn Tinh biết Trần Niệm An thiếu tự tin và cảm giác an toàn, mà hai thứ này không tự dưng xuất hiện ở một người, sự tự tin cần được tích lũy, cảm giác an toàn cần được xây dựng.
Chúc Phồn Tinh được bố mẹ yêu thương, che chở mà lớn lên, biết được cảm giác được yêu, được khuyến khích, được tin tưởng, được tôn trọng là như thế nào. Vì vậy khi đối mặt với hai đứa em trai, đặc biệt là khi đối mặt với Trần Niệm An thiếu thốn tình yêu từ nhỏ, cô vẫn luôn học hỏi từ bố mẹ, dùng hết mọi cách để yêu thương cậu, khuyến khích cậu, tin tưởng cậu, tôn trọng cậu.
Cô hy vọng cậu có thể nhìn thấy những ưu điểm của bản thân, có tư tưởng độc lập tự chủ, không dễ dàng bị người khác quấy nhiễu, kiên định, dũng cảm, vui vẻ đi con đường mà mình muốn đi.
Cô hy vọng cậu có thể biết được, tuy rằng cậu không còn bố mẹ, người thân ở quê cũng đều không cần cậu nữa, nhưng cậu vẫn còn chị gái, có em trai. Cô và Chúc Mãn Thương sẽ là hậu phương vững chắc nhất của cậu, cho dù xảy ra chuyện gì, ba người bọn họ cũng phải đồng lòng, làm người nhà của nhau cả đời.
Điều khiến Chúc Phồn Tinh cảm thấy an ủi là, Trần Niệm An hoàn toàn không khiến cô thất vọng.
Một năm nay, toàn bộ con người cậu từ trong ra ngoài đã xảy ra những thay đổi to lớn. Nụ cười rõ ràng nhiều hơn, can đảm cũng rõ ràng lớn hơn, nói chuyện không còn dè dặt, làm việc không còn cẩn trọng quá mức, mỗi cuối tuần cô về nhà, Trần Niệm An đều líu lo chia sẻ với cô những chuyện xảy ra ở trường trong tuần đó. Đối đãi với Mãn Bảo, cậu cũng không còn nuông chiều vô điều kiện. Mãn Bảo mà làm chuyện không đúng, Trần Niệm An sẽ phê bình thằng bé, rất ra dáng một người anh.
Ngoài ra, cậu bé Chúc Mãn Thương cũng rất cố gắng, khả năng tự lập hiện tại đã vượt xa những bạn cùng trang lứa. Mỗi ngày thức dậy sẽ tự mặc quần áo, gấp chăn, sau đó đi vào nhà vệ sinh rửa mặt đánh răng đi ị. Cu cậu không còn kén ăn nữa, Trần Niệm An làm bữa sáng món gì thì cu cậu ăn nấy, ăn xong tự thu dọn cặp sách, ngoan ngoãn đi lên lầu, đợi bà Du đưa đến trường mẫu giáo.
Mấy ngày nữa, trường mẫu giáo của Chúc Mãn Thương sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp cho các bé lớp lớn, mời bố mẹ đến tham dự. Chúc Mãn Thương nằm trên đùi Chúc Phồn Tinh, ngước khuôn mặt nhỏ xíu lên hỏi: “Chị ơi, chị có đến không?”
Chúc Phồn Tinh nói: “Thứ Sáu à, chị phải đi học, sắp thi cuối kỳ rồi.”
Chúc Mãn Thương tủi thân nói: “Lần trước anh cũng thi thứ Sáu, chị cũng đến còn gì. Lần này em còn biểu diễn tiết mục nữa, chị không đến thì không ai xem em cả.”
Chúc Phồn Tinh: “…”
Đang trong giai đoạn ôn thi cuối kỳ căng thẳng, nhưng cô vẫn xin phép cô Triệu: “Cô Triệu ơi, em trai em tốt nghiệp mẫu giáo, cả đời chỉ có một lần, em nhất định phải đi.”
Cô Triệu đã tê liệt rồi, tự an ủi mình, lễ tốt nghiệp mẫu giáo quả thực rất quan trọng, dù sao Chúc Phồn Tinh chưa từng bỏ lỡ buổi học nào, cứ để em ấy đi vậy.
Nhưng sau đó, cô Triệu thật sự rất muốn đập đầu vào tường. Phải tham gia lễ tốt nghiệp mẫu giáo của em trai! Đây là lý do xin nghỉ gì vậy trời!
Sáng ngày 25 tháng Sáu, lễ tốt nghiệp của trường mẫu giáo được tổ chức tại một nhà hát nhỏ, Chúc Phồn Tinh mời bà Du cùng đi.
Trong một tiết mục biểu diễn múa bóng rổ, họ nhìn thấy Chúc Mãn Thương. Đôi má Mãn Bảo tô hai vệt phấn hồng, miệng cũng được tô son đỏ chót, mặc bộ đồ bóng rổ màu đỏ, trên đầu buộc dải băng, cùng với mấy cậu bé khác cầm bóng rổ nhảy nhót.
Chúc Phồn Tinh và bà Du ở dưới sân khấu vỗ tay “bộp bộp”. Sau khi biểu diễn xong, họ đón Mãn Bảo ở cánh gà. Cậu bé hưng phấn đòi chụp ảnh chung với cô giáo chủ nhiệm, Chúc Phồn Tinh bèn làm người chụp ảnh cho họ. Cô giáo chủ nhiệm không nỡ rời xa những đứa trẻ đã dìu dắt ba năm, xoa đầu Mãn Bảo nói: “Chúc Mãn Thương, sắp trở thành một học sinh tiểu học rồi, cô chúc con mạnh khỏe, học giỏi, đi học rồi phải cố gắng nha!”
Chúc Mãn Thương cười thật lớn: “Cô Lý ơi, con đi học rồi sẽ đến trường mẫu giáo thăm cô!”
“Được thôi.” Cô Lý hỏi, “Con học trường tiểu học nào vậy?”
Chúc Mãn Thương nói: “Trường tiểu học số 2 Đông Diệu, chị con đăng ký cho con rồi, chị ấy và anh con đều học trường tiểu học số 2 Đông Diệu.”
Cô Lý nói: “Thế à, vậy sau này con và anh chị sẽ là bạn cùng trường rồi.”
Mấy ngày sau, Chúc Phồn Tinh nhận được thông báo của cô Lâu, trường tiểu học số 2 Đông Diệu cũng sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp.
Cô cảm thấy mình không thể trọng người này khinh người kia được, nói với cô Triệu: “Em trai em tốt nghiệp tiểu học, cả đời chỉ có một lần, em nhất định phải đi.”
Cô Triệu: “……..”
Một buổi sáng cuối tháng Sáu, lễ tốt nghiệp của trường tiểu học số 2 Đông Diệu được tổ chức tại hội trường lớn của trường. Lần này người tham dự đổi thành Chúc Phồn Tinh và ông Lưu.
Trần Niệm An không có tài nghệ gì, không tham gia biểu diễn múa, cũng không tham gia biểu diễn nhạc cụ. Cậu và hơn hai mươi bạn học cùng nhau biểu diễn hợp xướng, hát một bài đồng dao, Chúc Phồn Tinh chưa từng nghe qua.
Trần Niệm An đứng ở hàng thứ hai, mặc áo sơ mi trắng và quần thể thao xám, trên mặt cũng tô phấn má hồng và son môi, trước ngực là chiếc khăn quàng đỏ tươi thắm tung bay. Khi hát, cậu thiếu niên nhỏ lắc lư người theo giai điệu, Chúc Phồn Tinh nhìn mà cười mãi, cười rồi lại có chút muốn khóc.
Vào cuối tháng Sáu năm nay, Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương đều tốt nghiệp. Một đứa sắp lên cấp hai, một đứa sắp trở thành một học sinh tiểu học.
Chúc Phồn Tinh tham gia lễ tốt nghiệp của hai đứa em trai, cảm thấy đặc biệt hạnh phúc. Hai đứa đều sống thật tốt, mỗi một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, cô đều không muốn bỏ lỡ. Cô tin rằng, đây cũng là kỳ vọng của bố mẹ.
Sau khi các cháu được nghỉ hè, ông Lưu và bà Du cũng được nghỉ. Mấy bà bạn già của bà Du mời bà đi Quý Châu chơi, bảo Tiền Đường nóng quá, Quý Châu mát mẻ, thuê một căn biệt thự ở một thành phố cấp ba nào đó, một đám người già có thể ở một hai tháng, ban ngày ra ngoài du lịch, buổi tối đánh bài trong phòng, không còn gì tuyệt vời hơn!
Bà Du động lòng, thu dọn hành lý, cùng ông Lưu lên máy bay đi Quý Châu. Thế là, Trần Niệm An đảm nhận phần lớn công việc nhà, còn phải trông Mãn Bảo, vì chị gái phải đi làm.
Đầu tháng Bảy, Chúc Phồn Tinh đến khu Dung Thạnh Phủ theo lời hẹn, trở lại căn hộ 1001.
Cách bài trí trong nhà không có thay đổi gì lớn, nhưng có thêm rất nhiều đồ. Trên sàn phòng khách vốn đã có thảm tập bò của Mãn Bảo, bây giờ thảm trở nên to hơn, bày đầy đồ chơi và sách của trẻ con, trên bức tường trắng có thêm mấy khung ảnh, trên bàn ăn và bàn trà thì bày hai bó hoa tươi lãng mạn.
Đây là một gia đình năm người yêu cuộc sống, họ bảo vệ căn nhà rất tốt, Chúc Phồn Tinh tận mắt nhìn thấy thì yên tâm hơn rất nhiều.
Cô gặp ông Brown, còn có hai cô con gái của ông, Mandy tám tuổi và Sofia sáu tuổi.
Hai cô bé đều có mái tóc vàng óng, da trắng như tuyết, đôi mắt xanh biếc, hàng mi dài đến mức khiến người ta ghen tị, là vẻ ngoài búp bê rất đáng yêu. Chúc Phồn Tinh nghĩ, thảo nào ông Brown không dám tìm người lạ đến dạy chúng, cô còn muốn đưa tay nắn bóp nữa là.
Ông Brown nói với Chúc Phồn Tinh rằng bản thân ông khi còn trẻ đã làm việc ở Bắc Kinh bảy năm, biết nói một ít tiếng Trung, năm 2005 mới được điều trở lại Anh. Năm ngoái, ông lại được cử đến Tiền Đường làm việc, dứt khoát mang cả vợ con đến. Hai cô con gái hiện đang học ở trường quốc tế, đều không giỏi tiếng Trung, mà ông vì lý do công việc, có thể sẽ ở lại Trung Quốc lâu dài, nên muốn các con học thêm tiếng Trung, cuộc sống hàng ngày có thể thuận tiện hơn.
Chúc Phồn Tinh tò mò hỏi: “Chú Brown ơi, cháu nhớ là chú còn có một cậu con trai nữa, cậu ấy không cần học ạ?”
Ông Brown cười ha hả: “Con trai chú tên là Henry, đã mười ba tuổi rồi. Từ một tuổi đến tám tuổi, bảy năm đầu đời luôn sống ở Bắc Kinh, trình độ tiếng Trung của thằng bé tốt hơn chú nhiều, nó rất thông thạo Trung Quốc, không cần học nữa đâu!”
“Ra là vậy.” Chúc Phồn Tinh hỏi, “Cậu ấy không ở nhà ạ?”
Ông Brown nói: “Vợ chú dẫn thằng bé đi học nhảy rồi. Nó thích nhảy hiphop, đang học theo một thầy giáo.”
“Ồ, ngầu thật.” Chúc Phồn Tinh cười nói, “Vậy chúng ta bắt đầu nhé? Mandy, Sofia, chào hai em, chị là Stella. Hôm nay chị sẽ chơi cùng các em, dạy các em nói một ít tiếng Trung.”
Mandy lớn hơn dùng tiếng Anh hỏi: “Stella, chị bao nhiêu tuổi?”
Chúc Phồn Tinh nói: “Chị mười sáu tuổi.”
“Chị xinh quá.” Mandy nói, “Em thích chị!”
Sofia nói: “Em cũng thích chị! Em thích đôi mắt của chị, và cả nụ cười của chị nữa!”
Mandy nói: “Em thích tóc của chị, và quần áo của chị nữa, em thích thỏ con, thỏ con đáng yêu nhất!”
Chúc Phồn Tinh chỉ mặc một chiếc áo thun in hình thỏ hoạt hình, bị khen đến mức ngại ngùng. Trẻ con nước ngoài sẽ rất thẳng thắn bày tỏ sự yêu thích của mình, còn người Trung Quốc thì tương đối kín đáo. Cho dù là một người hoạt bát nói nhiều như Chúc Mãn Thương, cũng rất khó nói ra câu “em thích chị” với đối phương trong lần gặp đầu tiên.
Lần gặp gỡ đầu tiên diễn ra khá suôn sẻ, Chúc Phồn Tinh ở lại căn hộ 1001 hơn hai tiếng, cầm một quyển truyện tranh tiếng Trung kể chuyện cho hai cô bé, đồng thời dạy các bé nói tiếng Trung.
Ông Brown ngồi nghe suốt buổi. Sau khi học xong, ông hỏi ý kiến hai con gái. Mandy và Sofia đều bày tỏ rất muốn học lớp của Chúc Phồn Tinh. Ông Brown liền cùng Chúc Phồn Tinh lập một bản thỏa thuận bằng văn bản, thỏa thuận thời gian học và thù lao, phí học là năm mươi tệ một giờ, thanh toán vào cuối tháng.
Chúc Phồn Tinh đã hỏi thăm chú Nhậm, hiện tại, sinh viên đại học làm gia sư tại nhà cho học sinh tiểu học, tùy theo trình độ của trường, độ khó của bài học, phân loại khóa học khác nhau, học phí dao động từ bốn mươi đến một trăm tệ. Vì vậy, với tư cách là một học sinh cấp ba, cô cảm thấy giá mà ông Brown đưa ra rất hợp lý, liền vui vẻ chấp nhận công việc này.
Đây là công việc đầu tiên mà cô làm trong đời, cảm thấy vô cùng tự hào, cô có thể kiếm tiền rồi! Một tháng có thể kiếm được hơn hai nghìn tệ đấy!
—
Ông ngoại nhà họ Phùng gọi điện thoại cho Chúc Phồn Tinh, lẩm bẩm đề nghị, đến kỳ nghỉ hè rồi, muốn Trần Niệm An về quê ở một tháng. Chúc Phồn Tinh không đồng ý, cô hỏi Trần Niệm An, cậu nói cậu không muốn về ở lâu như vậy. Hơn nữa, chị gái mỗi ngày đều phải ra ngoài làm việc, cậu còn phải ở nhà trông Mãn Bảo, cậu mà đi thì Mãn Bảo phải làm sao?
Nhưng Chúc Phồn Tinh biết, Trần Niệm An muốn về quê một chuyến, muốn thăm bà ngoại, cũng muốn đi tảo mộ cho mẹ.
Mẹ ra đi vào tháng Bảy năm ngoái, một năm trôi qua rồi, ba người bọn họ đều chưa đi thăm bà. Chúc Phồn Tinh nghĩ mấy ngày trời, nên đi thôn Ngũ Kiều như thế nào, cuối cùng nghĩ ra một cách.
Cô gọi điện thoại cho cô mình, nói muốn nhờ dượng giúp một việc. Lái xe đưa ba chị em cô đến thôn Ngũ Kiều một chuyến, thứ Bảy đi, Chủ Nhật về. Cô sẽ trả cho dượng một khoản phí vất vả theo giá thị trường, còn sẽ thanh toán tất cả các chi phí ăn uống, chỗ ở, xăng xe và phí cầu đường phát sinh trên đường.
Chúc Hoài Văn nghe xong, nói: “Phí vất vả thì thôi đi, cháu cứ trả tiền xăng, tiền cầu đường là được. Cô bảo Vương Đông giúp cháu chạy một chuyến, cháu định hôm nào xuất phát?”
Chúc Phồn Tinh nói: “Ngày 17 đi, ngày 18 về ạ.”
Chúc Hoài Văn im lặng một lúc lâu, thở dài qua điện thoại: “Haizzz… Đi lúc này cũng là việc nên làm, một năm rồi còn gì.”
Đúng vậy, tròn một năm rồi.
Ngày 18 tháng Bảy năm ngoái, bố qua đời. Ngày 17 tháng Bảy năm nay, Chúc Phồn Tinh dẫn theo hai đứa em trai ngồi xe của dượng Vương Đông, một đoàn bốn người lên đường đến thôn Ngũ Kiều, An Huy.
Cô không gọi cho ông ngoại Phùng trước, định đến đó rồi nói.
Nghề nghiệp của Vương Đông là lái xe, thường xuyên lái xe đường dài giúp lãnh đạo, so với người bình thường, sáu tiếng đồng hồ lái xe đối với ông không phải là dài.
Xe chạy trên đường cao tốc, trái tim Chúc Phồn Tinh thắt lại. Suốt đường đi, đường sá thông thoáng, cô vẫn luôn không biết vụ tai nạn xe cộ đó rốt cuộc đã xảy ra ở đâu, có lẽ chính là đoạn đường mà bọn họ vừa mới đi qua, giờ đã không còn bất kỳ dấu vết nào của vụ tai nạn giao thông nữa.
Cô nhớ lại chuyện tối hôm qua, hành lý đã thu dọn xong, cô bưng chiếc máy tính xách tay ra, bày lên bàn ăn, gọi hai đứa em trai đến bên cạnh, nói muốn cho bọn chúng xem mấy đoạn video.
Trần Niệm An và Chúc Mãn Thương tuy không biết chị gái muốn cho mình xem cái gì, nhưng đều rất nghe lời ngồi xuống bên cạnh cô, một người bên trái một người bên phải, nép vào cô.
Chúc Phồn Tinh mở đoạn video đầu tiên trên máy tính. Mắt Trần Niệm An mở to, đó là đoạn video mà bọn họ đi du lịch ở Thanh Đảo năm ngoái, chú Chúc đã chụp bằng máy ảnh ống kính đơn.
Chúc Hoài Khang thích nhiếp ảnh, chiếc máy ảnh kia là mới mua năm ngoái, có chức năng quay video. Ở Thanh Đảo, ông đã dùng ống kính ghi lại hình ảnh năng động của một gia đình năm người. Trên màn hình, ánh nắng tươi đẹp, nước biển cuồn cuộn, ống kính chậm rãi chuyển qua, xuất hiện hình ảnh Phùng Thái Lam đang nhàn nhã ngồi trên ghế bãi biển.
“Thái Lam, nhìn anh này, cười lên đi em.”
Phùng Thái Lam dùng tay che mặt, cười đến cong cả mắt: “Ôi giời, anh đừng chụp em mà, đi chụp bọn trẻ đi, hôm nay em không trang điểm gì cả.”
“Không trang điểm cũng đẹp.”
Phùng Thái Lam mặc váy dài, gió biển thổi bay mái tóc của bà. Bà không ngừng xua tay với Chúc Hoài Khang: “Đi đi, sao cứ thích chụp em thế?”
“Anh thử chức năng quay phim của cái máy ảnh này thôi mà.”
“Đi chụp ba cục cưng đi kìa.”
“Em cũng là cục cưng của anh mà.”
Phùng Thái Lam ngại ngùng che mặt: “Cả một đống tuổi rồi, anh có thấy ghê không?”
Video kết thúc.
Chúc Phồn Tinh lại mở đoạn video thứ hai, là ở Công viên Hải dương Hải Xương Thanh Đảo. Video do Phùng Thái Lam quay, đối tượng quay là Chúc Hoài Khang và ba đứa trẻ.
Bọn họ đang xem sinh vật biển trong bể cá khổng lồ. Người đàn ông cao lớn đứng ở giữa, cõng Chúc Mãn Thương trên vai, Trần Niệm An và Chúc Phồn Tinh đứng bên cạnh ông. Chúc Phồn Tinh giơ tay chỉ vào một con cá đuối lớn đang bơi qua, như đang giảng giải cho Trần Niệm An.
“Này, Hoài Khang, quay lại nhìn em đi.”
Đây là giọng của Phùng Thái Lam.
Chúc Hoài Khang quay lại, trên mặt tràn ngập nụ cười ấm áp. Chúc Mãn Thương trên vai ông rõ ràng ngây thơ hơn bây giờ một chút, tay đang nghịch một con bạch tuộc đồ chơi, cũng cười toe toét rất vui vẻ.
“Cục cưng lớn và cục cưng thứ nữa, quay lại nhìn mẹ này.”
Chúc Phồn Tinh và Trần Niệm An quay đầu lại. Cô gái tuổi dậy thì với vẻ mặt “không chịu nổi”, Trần Niệm An thì đứng thẳng tắp, trên mặt nở nụ cười. Nụ cười càng ngày càng cứng đờ, cậu giật giật khóe miệng hỏi: “Mẹ ơi, chụp xong chưa ạ?”
“Mẹ đang quay video mà, con tự nhiên lên một chút, đừng cười gượng.”
Trần Niệm An nói: “Con không có cười gượng.”
Chúc Phồn Tinh đột nhiên kéo tay cậu, chỉ về một hướng nói: “Hổ Tử, bên kia có cá mập. Chúng ta đi xem cá mập đi!”
Hai đứa nhỏ ba chân bốn cẳng chạy đi, biến mất khỏi ống kính.
Chúc Mãn Thương lo lắng kêu lên: “Bố ơi bố ơi, con cũng muốn đi xem cá mập!”
“Được thôi, bố dẫn con đi.”
Hai người họ cũng rời khỏi khung hình.
Video kết thúc.
Chúc Phồn Tinh không mở đoạn video thứ ba. Trong phòng khách im ắng đến mức có thể nghe thấy tiếng kim rơi, cô cúi đầu nhìn hai đứa em trai. Như cô dự đoán, bọn chúng đều đã nước mắt giàn giụa, bản thân cô cũng vậy.
Chúc Phồn Tinh nói: “Chị tìm được rất nhiều video trong điện thoại, máy ảnh và máy tính của bố mẹ, đã sao lưu lại hết rồi, sao lưu rất nhiều bản, không sợ bị mất. Sau này, mỗi năm vào tháng Bảy, chị sẽ cho các em xem vài video, không thể xem hết một lượt được, như vậy sẽ không còn cảm giác mới mẻ nữa.”
“Chị chỉ sợ các em sẽ quên mất dáng vẻ của họ, còn có giọng nói của họ, đặc biệt là Mãn Bảo, ừm… Xem video là được rồi mà, xem video rồi, chúng ta có thể nhớ được khi họ còn sống trông như thế nào, đúng không? Có phải chị rất thông minh không?”
Chúc Mãn Thương ôm lấy cô, những giọt nước mắt kìm nén bấy lâu cuối cùng cũng vỡ òa, cậu bé khóc nói: “Em không quên họ đâu ạ. Chị ơi, em nhớ dáng vẻ của họ mà…”
“Nhưng vài năm nữa, có lẽ em sẽ không nhớ rõ như vậy nữa.” Chúc Phồn Tinh ôm lấy Chúc Mãn Thương, lại ôm Trần Niệm An, nói, “Vài năm nữa, có lẽ ngay cả chị cũng sẽ không nhớ rõ như vậy nữa. Nhưng chị không muốn quên họ, chị muốn mãi mãi ghi nhớ dáng vẻ của họ, họ là bố mẹ của chúng ta. Chị yêu họ, chị cũng yêu các em.”
Chúc Mãn Thương nói: “Chị ơi, em cũng yêu chị.”
Người mở miệng cuối cùng là Trần Niệm An, cậu khóc không thành tiếng trong vòng tay của Chúc Phồn Tinh, nói: “Chị ơi, em cũng yêu chị.”
Hay lắm lun í 💕💕🌹