← Trước Sau →

Chương 56

Buổi tối, ngay khi Chúc Phồn Tinh về đến nhà, Trần Niệm An đã kể cho cô nghe tin vui này. Chúc Phồn Tinh vô cùng bất ngờ: “Được chọn thật rồi á?”

Trần Niệm An: “Dạ đúng vậy.”

“Oa! Hổ con nhà mình giỏi quá!” Chúc Phồn Tinh nắm lấy hai tay cậu, nhảy cẫng lên tại chỗ. Chúc Mãn Thương nhìn thấy, nhất quyết đòi tham gia. Thế là biến thành ba chị em nắm tay nhau, vui vẻ xoay vòng vòng trong phòng khách nhỏ.

“Ha ha ha ha… Thôi thôi, dừng lại dừng lại, chúng ta ngốc quá đi.” Chúc Phồn Tinh cười tươi mỗi tay mỗi đứa ôm chúng vào lòng, “Chúc mừng bạn Trần Niệm An giành được chức vô địch đầu tiên tại trường tiểu học số 2 Đông Diệu, tiếp theo hãy tiếp tục cố gắng trong trận chung kết, phấn đấu trở thành Đầu Bếp Nhí của quận Tây Thành!”

Trần Niệm An cười không khép được miệng, nói: “Chị ơi, cuộc thi cấp quận khó lắm đó. Em hỏi cô Lâu rồi, quận Tây Thành có hơn bốn mươi trường tiểu học lận!”

“Hả? Nhiều vậy á?” Chúc Phồn Tinh lè lưỡi, “Vậy thì hơi khó đó nha.”

Trần Niệm An nhún vai: “Vâng, nên mục tiêu của em là không đội sổ.”

“Đội sổ là không thể nào!” Chúc Phồn Tinh vỗ lưng cậu, “Không sao đâu, cứ coi như đi chơi thôi. Hôm nào thi vậy? Chị đến tận nơi cổ vũ em.”

Chúc Mãn Thương kêu lên: “Em cũng muốn đi! Chị ơi, em cũng muốn đi!”

Trần Niệm An nói: “Một giờ rưỡi chiều ngày 30 tháng 4, tức là thứ Sáu tuần sau đó, thi ở nhà ăn của Trung tâm Văn hóa Quận.”

“Thứ Sáu tuần sau?” Chúc Phồn Tinh ngớ người, “Không phải ngày Quốc tế Lao động à?”

“Không phải, ngày Quốc tế Lao động được nghỉ mà chị.” Trần Niệm An có thể nhận ra sự khó xử của chị mình, nói, “Chị ơi, nếu chị không đến được cũng không sao, cô Lâu sẽ đi cùng bọn em, cô ấy là giáo viên phụ trách đội của trường em.”

Dù thằng bé nói có đường hàong đến mấy, cũng không thể giấu được sự thất vọng lộ ra trong ánh mắt. Chúc Phồn Tinh nói: “Để chị nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm xem sao. Chị đã hứa với em rồi, chị không thể thất hứa được.”

Cuối tuần này, Trần Niệm An bận rộn như con thoi, vừa phải chuẩn bị cho kỳ thi giữa kỳ, vừa phải chuẩn bị món ăn cho trận chung kết.

Cậu tìm đến ông Lưu để bàn bạc, cuối cùng chọn được một món ăn gia đình từ thực đơn bí mật của ông Lưu, vừa mang hương vị Tiền Đường, vừa có thể thực hiện từ đầu đến cuối tại chỗ, đảm bảo có thể hoàn thành trong vòng nửa tiếng, và điều quan trọng nhất là… ngon!

Trần Niệm An về bản chất vẫn là một đứa trẻ thôn quê chất phác, cảm thấy nấu ăn ngon tức là phải ngon miệng, chứ không phải đẹp mắt, cậu hoàn toàn không muốn dựa vào việc bày biện hoa mỹ để lấy điểm. Mà ông Lưu tuổi đã cao, vốn dĩ không thích những thứ hình thức hơn nội dung, một già một trẻ tâm đầu ý hợp, quyết định làm một món ăn đen thui.

Chúc Phồn Tinh không có ý kiến gì, điều này là do cô giống bố. Trong quan niệm nuôi dạy con cái, Chúc Hoài Khang tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và thấu hiểu con cái một cách đầy đủ. Ví dụ như khi Chúc Phồn Tinh được tuyển thẳng vào một trường trọng điểm khác, cô không hài lòng, muốn thi vào trường trung học số 2, Chúc Hoài Khang đã hết lòng ủng hộ, nói rằng nếu không thi đậu cũng không sao, chỉ cần đã nỗ lực là được.

Vì vậy, đối với thực đơn cho trận chung kết của Trần Niệm An, Chúc Phồn Tinh hoàn toàn buông tay, để cậu bé tự quyết định.

Cô giúp Trương Kha sửa bản thảo tiếng Anh. Bản thảo tiếng Anh do học sinh tiểu học viết vẫn còn nhiều hơi hướm của tiếng Anh kiểu Trung Quốc. Sau khi sửa xong, Chúc Phồn Tinh cảm thấy không chắc chắn lắm. Trùng hợp thay, ông Brown thuê căn hộ 1001 gọi cho cô, nói muốn trả tiền thuê nhà cho quý tiếp theo.

Ông Brown đã thuê nhà được nửa năm, đã trả tiền thuê hai lần, lần nào cũng rất đúng hạn, vào cuối quý sẽ chủ động liên lạc với Chúc Phồn Tinh.

Trên trời rơi xuống một người Anh, Chúc Phồn Tinh sao có thể bỏ qua? Nhanh chóng mời ông Brown giúp xem qua bản thảo.

Ông Brown rất nhiệt tình, thực sự đã giúp cô trau chuốt lại bản thảo, sau đó, hai người gọi điện thoại cho nhau.

Khả năng nói và nghe tiếng Anh của Chúc Phồn Tinh vốn dĩ không tệ, giao tiếp đơn giản với người nước ngoài không có vấn đề gì, ông Brown nói: “Stella, chú muốn hỏi một chút, mùa hè này cháu có rảnh không? Chú thấy cháu nói tiếng Anh rất tốt, muốn mời cháu đến nhà dạy tiếng Trung cho hai cô con gái của chú. Ý tưởng của chú là học từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi ngày hai tiếng, tất nhiên, chú sẽ trả thù lao cho cháu.”

Chúc Phồn Tinh: “?”

— Ồ? Đây chẳng phải là gia sư tại nhà trong truyền thuyết sao?

Cô cố nén sự kích động trong lòng, nói: “Dạ được ạ. Nhưng cháu mới có mười sáu tuổi, sợ dạy không tốt. Thế này đi ạ, chú Brown, đợi cháu nghỉ hè, cháu có thể dạy thử cho hai bé một buổi, không tính phí. Nếu các bé thích lớp học của cháu, chúng ta sẽ tiếp tục, chú thấy như vậy được không ạ?”

“Tất nhiên là được rồi.” Ông Brown nói, “Thực ra, còn có một lý do nữa khiến chú muốn thuê cháu đến dạy học. Đó là ngôi nhà chú ở vốn là nhà của gia đình cháu, nếu cháu đến thì chú sẽ cảm thấy rất an toàn, an toàn hơn nhiều so với việc tìm một người lạ, cháu hiểu chứ? Dù sao hai cô con gái của chú vẫn còn rất nhỏ, đối với chú, sự an toàn của các con là quan trọng nhất.”

“Cháu hiểu ạ.” Chúc Phồn Tinh nói, “Vậy chúng ta giữ liên lạc nhé, cháu sẽ liên lạc lại với chú trước kỳ nghỉ hè. Chú Brown, cảm ơn chú đã cho cháu cơ hội làm việc, cháu rất sẵn lòng thử.”

“Không có gì. Vậy chúng ta sẽ liên lạc lại vào tháng Sáu nhé, tạm biệt.”

“Vâng ạ, tạm biệt chú.”

Chúc Phồn Tinh cúp điện thoại, Trần Niệm An nghe cô nói một tràng tiếng Anh, chẳng hiểu gì cả, tò mò hỏi: “Chị ơi, chị vừa nói gì vậy?”

“Hì hì, chị gái em nè, tìm được việc làm rồi đó.” Chúc Phồn Tinh đắc ý lắc đầu.

Trần Niệm An hỏi: “Việc gì vậy ạ?”

Chúc Phồn Tinh nói: “Sau khi nghỉ hè, có thể chị sẽ đến nhà ở Dung Thạnh Phủ dạy tiếng Trung cho hai bé gái người Anh, mỗi ngày hai tiếng, bố của các bé sẽ trả lương cho chị.”

Trần Niệm An lại hỏi: “Bao nhiêu tiền ạ?”

“Chị không biết nữa.” Chúc Phồn Tinh nói, “Phải đi hỏi giá thị trường mới được.”

Cô thực sự cần tiền. Hiện tại thu nhập cố định hàng tháng là tiền thuê nhà năm nghìn ba, cộng với năm trăm bà ngoại ở Hà Bắc gửi cho, trừ đi khoản trả góp bốn nghìn bảy, tính ra thì thu nhập ròng chỉ có một nghìn mốt tệ.

Ba người bọn họ phải ăn mặc, phải đi học, nhà phải trả tiền nước, tiền điện, tiền ga, tiền internet, còn có những khoản chi tiêu lặt vặt khác, ví dụ như Trần Niệm An nhập viện hồi đầu năm, sau khi mất điện thoại, mua cho cậu cái điện thoại mới… Thu nhập một nghìn mốt một tháng chỉ như muối bỏ bể, vì vậy, cuộc sống hàng ngày của họ chủ yếu vẫn dựa vào số tiền tiết kiệm mà Chúc Hoài Khang để lại.

Số tiền tiết kiệm hao hụt rất nhanh, bố mẹ qua đời còn chưa đầy một năm, Chúc Phồn Tinh xem số dư trong thẻ, đã còn không đến ba trăm nghìn.

Vụ kiện tai nạn xe đã mở phiên tòa vài lần, mấy lần sau đó, Phùng Trí Quang thậm chí còn không đến nữa, không biết chuyện này đến bao giờ mới có thể ngã ngũ.

Chúc Phồn Tinh chống cằm, lo lắng nghĩ, tăng thu giảm chi, tăng thu giảm chi, bọn họ đã rất tiết kiệm rồi nhưng cũng chẳng ăn thua, xem ra, vẫn phải tìm cách tăng thu mới được.

Kỳ thi giữa kỳ vào thứ Hai và thứ Ba không có phép màu nào xảy ra. Trần Niệm An thi được thứ hai mươi mốt của lớp, coi như là mức trung bình khá, nhưng cậu biết, mình đã bỏ lỡ cơ hội vào trường Thanh Nha.

Trưa thứ Sáu, Trần Niệm An tan học sớm về nhà lấy đồ dùng cho cuộc thi.

Nguyên liệu nấu ăn là do ông Lưu mua vào buổi trưa, đặc biệt tươi ngon. Bà Du còn đón Chúc Mãn Thương về, hai già hai trẻ bắt một chiếc taxi đến Trung tâm Văn hóa Quận. Ông Lưu nói Tiểu Niệm An là tiểu đồ đệ của ông, đồ đệ đi thi đấu, sư phụ phải đi theo.

Còn bà Du và Chúc Mãn Thương đương nhiên là đội cổ vũ của Trần Niệm An rồi.

Chúc Phồn Tinh nói cô sẽ cố gắng đến hiện trường, có thể sẽ đến muộn một chút, bảo Trần Niệm An cứ thoải mái mà thi cho tốt.

Một đoàn bốn người gặp cô Lâu ở cổng chính Trung tâm Văn hóa Quận. Cô Lâu còn dẫn theo Trương Kha và Ngô Hạo Hạo, cô phát quần áo cho ba đứa trẻ, nói: “Đây là đồng phục đầu bếp do trường chuẩn bị, lát nữa các em thay vào. Hôm nay sẽ có giới truyền thông phỏng vấn, phóng viên sẽ chụp ảnh, quay phim, mọi người phải thể hiện thật tươi tắn nhé.”

Trần Niệm An thay xong đồng phục đầu bếp, soi gương trong nhà vệ sinh. Cậu mặc chiếc áo trắng cứng cáp, quần xám, thắt một chiếc tạp dề viền đỏ ở eo, đội chiếc mũ đầu bếp trắng cao cao, trông cũng khá bảnh trai!

Cậu thử cười hở răng, dùng tay chỉnh lại mũ cho ngay ngắn, tự động viên mình, rồi ngẩng cao đầu bước ra khỏi nhà vệ sinh.

Cô Lâu dẫn ba đứa trẻ đến địa điểm thi đấu, là nhà ăn lớn của Trung tâm Văn hóa. Nhìn thấy cách bài trí, Trần Niệm An không khỏi “ồ” lên một tiếng. Cuộc thi cấp quận chính quy hơn nhiều so với vòng sơ khảo trong trường, có sân khấu, có băng rôn, có âm thanh, còn có cả người dẫn chương trình. Hơn bốn mươi chiếc bếp từ, chảo xào và thớt được bày biện trên bàn, các thí sinh từ các trường khác cũng mặc đồng phục đầu bếp chỉnh tề, tiếng nhạc sôi động vang lên bên tai, không khí lập tức trở nên náo nhiệt.

Các lãnh đạo quận tụ tập thành từng nhóm trò chuyện, các phóng viên truyền thông mang vác thiết bị đến kiểm tra chuẩn bị sẵn sàng. Trần Niệm An lần đầu tiên nhìn thấy cảnh tượng như vậy, nghĩ đến việc mình sắp phải lên thi đấu, không kìm được mà căng thẳng.

Ông Lưu và bà Du dẫn Chúc Mãn Thương ngồi ở khán đài phía ngoài, nơi toàn là phụ huynh của các em và các thầy cô giáo phụ trách đội của trường. Trần Niệm An nhìn về phía họ, ông Lưu vẫy tay với cậu, hét lớn: “Tiểu Niệm An, đừng căng thẳng, cố lên nhé!”

Chúc Mãn Thương hưng phấn nhảy cẫng lên: “Anh ơi, cố lên! Anh phải đoạt giải nhất!”

Trần Niệm An: “…”

Cậu tìm kiếm trên khán đài, không thấy bóng dáng của chị gái, biết rằng cô vẫn chưa đến, trong lòng có chút thất vọng, khẽ thở dài.

Một giờ rưỡi chiều, sự kiện bắt đầu. Người dẫn chương trình giới thiệu các vị lãnh đạo đến tham dự cuộc thi, cùng với các thành viên ban giám khảo. Ban giám khảo lần này rất chuyên nghiệp, ngoài các lãnh đạo quận, còn mời thêm chủ hoặc bếp trưởng của sáu nhà hàng nổi tiếng ở Tiền Đường, tổng cộng mười hai người, để chấm điểm cho các em.

Sau buổi khai mạc đơn giản, người dẫn chương trình nhiệt tình tuyên bố: “Cuộc thi Đầu Bếp Nhí lần thứ ba của quận Tây Thành, thành phố Tiền Đường, chính, thức, khai, mạc!”

Cả hội trường vỗ tay như sấm, đầu tiên sẽ tiến hành cuộc thi của khối tiểu học trước. Trần Niệm An bốc thăm được số 19, cùng với Trương Kha và Ngô Hạo Hạo đến bên bếp số 19.

Chiếc bàn này nằm ở rìa khu thi, cách khán đài vài mét, ông Lưu có thể nhìn thấy cậu rất rõ.

Trần Niệm An kiểm tra mọi thứ trên bàn, không có vấn đề gì, liền lấy những nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn từ trong túi ra, chờ đợi chỉ thị.

Người dẫn chương trình nói: “Mọi người đã chuẩn bị xong chưa? Cuộc thi diễn ra trong vòng nửa tiếng, quá thời gian mà chưa xong coi như bỏ cuộc. Vâng, bây giờ là 1 giờ 45 phút, cuộc thi sẽ kết thúc vào lúc 2 giờ 15 phút. Đếm ngược, ba, hai, một, cuộc thi bắt đầu!”

Tất cả các thí sinh đều bắt đầu hành động, hiện trường lập tức trở nên ồn ào. Bên cạnh nhà ăn có một dãy bồn rửa, rất nhiều người bưng nồi, bát đĩa đi lấy nước, Trần Niệm An cũng chen chúc vào đó.

Đây là bước đầu tiên, cậu phải nấu một nồi nước sốt.

Cho một ít nước, một ít nước tương nhạt, một ít nước tương đậm vào chảo, cùng với lượng muối, đường, giấm, quế và ngũ vị hương vừa phải, bật lửa đun. Trong quá trình đun, Trần Niệm An dùng thìa múc một ít nếm thử, cảm thấy chưa đủ ngọt, lại cho thêm chút đường.

Hai ba phút sau, nước sốt sôi, Trần Niệm An tắt bếp, đổ nước sốt vào một cái chậu lớn để dùng sau.

Ngô Hạo Hạo và Trương Kha đứng ngay bên cạnh cậu, giúp đưa chậu, lấy thìa, ngoài việc đó ra, bọn họ cũng không giúp được gì nhiều.

Có một phóng viên vác máy quay phim đi dọc theo đường đi, vừa hay đi ngang qua Trần Niệm An, nhìn thấy cậu bé ngồi xổm xuống đất, ôm một con cá từ trong túi ra.

Một con cá rất lớn! Phải gần ba ký.

Phóng viên bị kinh ngạc, đứng đó chụp ảnh Trần Niệm An, hỏi: “Bạn nhỏ, cháu làm món gì vậy?”

Trần Niệm An tập trung vào công việc trong tay, không ngẩng đầu lên, nói: “Cá hun khói Tiền Đường ạ.”

Phóng viên: “Ồ…”

Rất ít trẻ em làm món này trong cuộc thi, khó làm, không đẹp mắt, làm ra có thể còn không ngon. Phóng viên đã đi một vòng, xem qua món ăn của các bạn khác. Có năm đội làm món cá sốt chua ngọt, ba đội làm món tôm xào, còn có món tôm xẻ lưng, sò điệp xào miến, canh tam tiên, thịt quay… Nói chung, các món hấp, hầm, xào chiếm đa số, các món chiên rán rất ít, vì các bậc phụ huynh thường sợ con bị dầu nóng bắn vào.

Trần Niệm An chìm đắm trong thế giới của mình, không quan tâm người khác đang làm gì. Cá trắm cỏ là do ông Lưu mua vào buổi trưa, đã được mổ bụng, rửa sạch. Trần Niệm An đặt cá lên thớt, cầm dao phay lên bắt đầu thái cá.

Cắt bỏ đầu đuôi, đoạn giữa dọc theo xương cá thái thành những lát dày đều nhau, mỗi lát dày khoảng hai phân.

Trần Niệm An dùng dao rất thuần thục, hết nhát này đến nhát khác, lưỡi dao không bị mắc vào xương cá lần nào.

Mười hai vị giám khảo tản ra, liên tục đi tuần tra khu thi đấu, xem các bạn nhỏ làm món ăn, thỉnh thoảng cũng trao đổi với nhau.

“Tôi vừa nhìn thử em làm món canh tam tiên ấy rồi. Em ấy đựng gia vị trong một túi thực phẩm nhỏ, đổ hết vào một lượt, chắc là người lớn làm sẵn giúp rồi.”

“Em làm món giăm bông xào đậu Hà Lan ấy, thái miếng giăm bông suýt thì bị đứt tay, bình thường chắc không hay nấu ăn, chỉ là học vẹt thôi.”

“Sao nhiều người làm món cá sốt chua ngọt thế?”

“Món ăn nổi tiếng của Tiền Đường mà.”

“Khó làm ngon lắm đấy.”

“Nhìn thấy cậu bạn nhỏ kia không? Bạn ấy làm cá hun khói đấy.”

“Hả?”

“Khá đấy, tôi vừa xem rồi, động tác thái cá rất thuần thục, chỉ có một mình cắm đầu làm, không cần ai giúp cả.”

“Thú vị đấy, bé tí mà làm cá hun khói á? Tôi đi xem thử.”

Địa điểm rất rộng, lối đi giữa các bàn không hề chật chội. Không biết từ lúc nào, trước bếp của Trần Niệm An đã có bốn năm người lớn đang đứng, giám khảo có phóng viên có, đều đang xem cậu chiên cá.

Trần Niệm An thỉnh thoảng ngẩng đầu lên, bị giật mình, lơ mơ không hiểu chuyện gì.

Trên khán đài, có một người đàn ông cũng bị Trần Niệm An thu hút ánh nhìn. Từ khi cậu bé ôm con cá trắm cỏ lớn ra, người đàn ông đã nhìn dán mắt vào cậu.

Người đàn ông này khoảng hơn bốn mươi tuổi, mặc áo sơ mi trắng, quần tây đóng thùng bên ngoài áo sơ mi, tóc chải chuốt gọn gàng, mặt chữ điền, đeo kính gọng đen, hai đường pháp lệnh bên mép miệng rất sâu, khiến ông ta trông nghiêm nghị và cứng nhắc.

Tình cờ, ông ta nhìn thấy cô Lâu đang chụp ảnh cho đứa trẻ ấy, trong lòng suy ngẫm, vẫy tay với cô Lâu: “Tiểu Lâu, Tiểu Lâu, cô qua đây.”

Cô Lâu nhìn thấy ông ta, ba chân bốn cẳng chạy tới: “Thầy Kim! Sao thầy lại đến đây? Ôi trời ơi nãy giờ em không thấy thầy.”

“Tôi dẫn học sinh đến thi đấu, lát nữa đến lượt khối trung học cơ sở thi.” Thầy Kim chỉ Trần Niệm An cách đó vài mét, hỏi: “Cậu bé kia, là học sinh trường cô à?”

“Dạ đúng ạ.” Cô Lâu nói với giọng điệu tự hào, “Học sinh lớp em đó, em là giáo viên chủ nhiệm của cậu bé.”

Thầy Kim nói: “Cậu bé rất tháo vát đấy.”

Cô Lâu cười nói: “Thực ra em cũng là lần đầu tiên xem em ấy nấu ăn, không ngờ em ấy lại giỏi đến vậy. Thầy Kim, em ấy không phải đặc biệt luyện tập nấu ăn để thi đấu đâu, bình thường em ấy vẫn nấu ăn, cuối tuần ở nhà toàn là em ấy nấu cơm.”

“Vậy thì rất hiếm đấy.” Thầy Kim hỏi, “Nhưng… vì sao vậy? Em ấy đặc biệt thích nấu ăn à?”

“Thích thì chắc là có thích, nhưng cũng có những khó khăn thực tế.” Cô Lâu tiến đến gần thầy Kim, nhỏ giọng nói, “Em ấy chuyển trường từ vùng quê An Huy lên, đến trường mình còn chưa được một năm. Tháng Bảy năm ngoái, bố mẹ em ấy gặp tai nạn xe, đều qua đời cả rồi, bây giờ trong nhà chỉ còn lại em ấy với chị gái và một đứa em trai. Đó, chính là cái cậu bé đang nhảy nhót kia, thầy nhìn thấy không? Đó chính là em trai em ấy, bây giờ trong nhà chỉ còn lại ba chị em thôi, nên bắt buộc phải học nấu ăn thôi ạ.”

Thầy Kim ngẩn người một lúc lâu, lại hỏi: “Vậy tố chất toàn diện của cậu bé thế nào? Học có tốt không?”

“Học cũng tạm được.” Cô Lâu nói, “Lúc mới chuyển đến, em ấy gần như là đội sổ của lớp, bây giờ đã đuổi kịp đến khoảng thứ hai mươi của lớp rồi, vẫn luôn tiến bộ. Ban đầu tiếng Anh thực sự là dở tệ, giờ thì khá hơn nhiều rồi, có thể thi được điểm trung bình của lớp. Thực ra em ấy khá thông minh, học cũng chăm chỉ, thích đọc sách ngoài giờ, viết văn không tệ.”

Thầy Kim gật đầu, lại hỏi: “Vậy khả năng vận động của cậu bé tốt không? Phẩm chất thế nào? Còn có những tài năng đặc biệt gì khác không?”

Cô Lâu vén tóc bên tai, nói: “Về vận động thì… thực ra em không biết rõ lắm. Trong vụ tai nạn hồi tháng Bảy năm ngoái, em ấy cũng ở trên xe, bị gãy chân, năm nay vừa bó bột, vừa tháo nẹp, chưa từng được học thể dục, dạo trước còn phải dùng nạng để đi nữa. Phẩm chất thì không có vấn đề gì, khá thật thà, nói chung là một đứa trẻ ngoan. Các thầy cô thường quan tâm đến em ấy nhiều hơn một chút, không có bố mẹ, nhìn đáng thương lắm.”

Thầy Kim đẩy kính, hỏi: “Cậu bé tên gì?”

Cô Lâu nói: “Trần Niệm An, Trần gồm bộ nhĩ đao và chữ đông, niệm trong tư niệm, an trong bình an.”

Thầy Kim lặp lại một lần: “Trần Niệm An…”

Tại nơi thi đấu, Trần Niệm An đã chiên xong một nửa số cá. Có người hỏi cậu, cậu vừa chiên cá vừa trả lời: “Cá này phải chiên bằng lửa lớn dầu thật sôi sẽ ngon hơn, nhưng hết cách rồi, ở đây chỉ có bếp từ. Ông cháu bảo, bật hết công suất bếp từ lên thì cũng có thể chiên ngon được.”

Mỗi mẻ cá phải chiên ba bốn phút, chiên đến vàng ruộm, Trần Niệm An dùng rây vớt chúng ra, nhúng vào nồi nước sốt đã chuẩn bị sẵn từ trước.

Thầy Kim vẫn luôn chú ý đến thao tác của Trần Niệm An. Cậu bé vóc người gầy gò, ngũ quan đoan chính, lông mày thanh tú, thần sắc luôn ung dung không vội vã, làm việc thong dong. Hai bạn học bên cạnh không giống như thành viên nhóm, mà giống trợ lý hơn, tuổi còn nhỏ mà Trần Niệm An đã có phong thái của bếp trưởng.

Ông ta lại quay đầu nhìn về phía khán đài. Cách một đoạn, có thể nhìn thấy em trai của Trần Niệm An, còn có một đôi vợ chồng già.

Lúc này, có một cô gái trẻ chen vào khán đài, không ngừng nói: “Xin lỗi xin lỗi, cho em qua với. Xin lỗi xin lỗi, chỗ của em ở trong…”

Cô không nhìn thấy thầy Kim, nhưng thầy Kim lại nhận ra cô.

Chúc Phồn Tinh tết tóc đuôi ngựa, mặc đồng phục trường trung học số 2, vai đeo chiếc cặp sách to, mồ hôi nhễ nhại chen đến bên cạnh ông Lưu và bà Du, ngồi phịch xuống ghế: “Ôi, cuối cùng cũng đến kịp, cháu xuống xe rồi chạy một mạch vào đây. Hổ con đâu rồi? Ở đâu ở đâu? Thi xong chưa?”

“Ở kia.” Ông Lưu chỉ cho cô xem, “Cá sắp chiên xong rồi, nhúng một chút là xong. Ông thấy không có vấn đề gì, vẫn luôn rất thuận lợi.”

Chúc Phồn Tinh đứng dậy, vẫy tay về phía Trần Niệm An: “Hổ con! Chị đến rồi đây!”

Trần Niệm An nghe thấy, mắt lập tức sáng lên, khí chất điềm tĩnh ung dung trên người biến mất trong nháy mắt. Cậu nhảy nhót vẫy tay với Chúc Phồn Tinh, mặt mày hớn hở, rõ ràng vẫn chỉ là một đứa trẻ con.

Cậu hét lớn: “Chị ơi! Em sắp làm xong rồi!”

Thầy Kim: “…”

— Chị?

— Tháng Bảy năm ngoái, bố mẹ cậu bé gặp tai nạn giao thông, đều qua đời cả rồi, bây giờ trong nhà chỉ còn lại cậu bé với chị gái và một đứa em trai.

— Chị gái???

Thầy Kim không ngồi yên được nữa, đứng dậy gọi Chúc Phồn Tinh: “Chúc Phồn Tinh!”

Chúc Phồn Tinh giật mình, nhìn thấy ông ta càng ngạc nhiên hơn: “Hả? Thầy Kim hiệu trưởng? Sao thầy lại ở đây ạ?”

← Trước Sau →

BÌNH LUẬN

  1. Chia sẻ cảm nghĩ của bạn nhé!

    Vui lòng đăng nhập để tham gia bình luận cùng chúng mình 💗

TRUYỆN CÙNG THỂ LOẠI

Hồng Anh
28
Minh Loan
1336
Giá Oản Chúc
1405
Mộ Chi
3930
Bắc Phong Vị Miên
33263